Từng lớp, từng lớp đá gợi đôi chân xuống đồng thăm lúa của cô gái Mường cần mẫn. Đâu đây, phảng phất bóng người mẹ địu con ngóng người chồng đi chiến đấu giữ nước, giữ mường như lưu dấu ở một khối đá nào đó. Qua lối Thạch Động Hoa Sơn, lại có hình muôn thú đang lừng lững như một khu rừng nguyên sinh trước mắt. Có khi, nhũ đá lại như một khối san hô của biển cả lạc giữa miền sơn cước. Gặp ánh đèn của người khách lãng du, khối ngọc ấy chợt lóe lên những ánh sáng kì ảo.
Nếu mỗi dãy núi đều chứa chất khí thiêng, tạo vẻ oai hùng cho chốn sơn khê thì hang động là hồn núi bí ẩn và đặc sắc. Dường như, không ở đâu hang động trùng lặp nhau, mỗi kiến tạo địa chất lại như một lần cựa mình sinh nở của bà mẹ hóa công để sinh thành ra những nàng tiên diễm lệ ẩn mình trong lòng núi thẳm. Bởi thế, khi đã có hồn thì sẽ cất lên thành thanh âm. Gõ tay vào khối đá trắng muốt, ta nghe được tiếng ngân vang như tiếng cồng chiêng ngàn năm vang khắp các xứ Mường. Tiếng chiêng bay qua nóc nhà sàn, vọng xuống cõi âm. Tiếng cồng đá, chiêng đá hòa vào tiếng hát thầm thì của sơn nữ Mường Thành đang dệt vải như mời gọi bàn chân du khách muôn phương.
Người Mường Thàng hiếu khách đã tình cờ tìm thấy hang núi Hàm Rồng nguyên sơ huyền bí. Để rồi, từ đó mở ra một con đường du lịch hấp dẫn những ai yêu thích thắng cảnh kì vĩ trên mọi miền quê Việt. Đến để khám phá một cõi thiên thai nằm bên con đường quốc lộ số 6 xầm uất. Đến để khám phá những giá trị văn hóa xứ Mường đã được thiên nhiên ghi tạc trong từng lớp nhũ đá trong vắt đến nhường nào.