Tổng thống rời dinh
Ba yêu cầu của Mặt trận cứu quốc Ai Cập gồm: lật lại vấn đề trong bản Tuyên bố Hiến pháp của tổng thống, hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân về Dự thảo Hiến pháp dự kiến vào ngày 15.12 tới và thành lập một hội đồng lập hiến mới để soạn thảo một hiến pháp "phản ánh" ý chí của nhân dân.
Mặt trận cứu quốc bao gồm nhiều đảng phái chính trị, trong đó có Đảng Hiến pháp, Đảng Xã hội Dân chủ và Đảng Liên minh nhân dân xã hội chủ nghĩa mới được thành lập dưới sự lãnh đạo của cựu ứng cử viên tổng thống Hamdeen Sabbahi, cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa và nguyên Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế Mohamed ElBaradei.
Cảnh sát đã được điều động đến để trấn át người biểu tình phản đối Tổng thống Morsi. Ảnh CNN |
Trong khi đó, tối 4.12, hàng trăm nghìn người đã hưởng ứng lời kêu gọi của các lực lượng chính trị, trong đó có Mặt trận cứu quốc, xuống đường biểu tình tại Quảng trường Tahrir và bên ngoài dinh tổng thống ở khu Heliopolis của thủ đô Cairo. Họ đã quyết định tiếp tục biểu tình ngồi tại hai địa điểm này cho đến khi nào những yêu cầu nói trên được thỏa mãn.
Cảnh sát đã xịt hơi cay vào những người biểu tình, trong khi một số người biểu tình vượt qua hàng rào cảnh sát xung quanh dinh thự của ông. Theo thống kê có khoảng 18 người biểu tình bị thương trong cuộc đụng độ. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin giấu tên trong phủ tổng thống cho biết, cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình bên ngoài dinh tổng thống đã khiến cho Tổng thống Morsi buộc phải rời tòa nhà.
Những người đối lập tố cáo ông Morsi tìm cách xây dựng chế độ độc tài với việc tập trung mọi quyền lực về tay mình. Chính phủ Morsi giải thích sắc lệnh là để “giữ gìn thành quả của cuộc cách mạng” và đối phó với hệ thống tư pháp đầy quyền lực của Ai Cập hiện vẫn chủ yếu do các nhân vật được bổ nhiệm dưới thời tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak kiểm soát. Để phản đối Tổng thống Morsi, nhiều tờ báo lớn của Ai Cập cũng đã tự đình bản, các ngân hàng buộc phải đóng cửa vì lý do an ninh.
Đối mặt với thất bại
Trước tình hình đó, Mỹ kêu gọi cả hai bên ở Ai Cập kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: "Chúng tôi kêu gọi những người biểu tình bày tỏ quan điểm một cách hòa bình và họ sẽ được tạo môi trường thuận lợi nếu phản đối một cách hòa bình". Ông Toner thừa nhận căng thẳng đang gia tăng ở thủ đô Cairo, khi hàng nghìn người bao vây dinh tổng thống để lên án sắc lệnh gia tăng quyền lực cho Tổng thống Morsi và giúp ông có quyền miễn truy tố.
Ông Toner cũng nhấn mạnh rằng người dân Ai Cập cần có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về Hiến pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 15.12 tới.
Nhận định về tính khả thi trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới, Chủ tịch Hội đồng lập hiến Hossam Al-Gheriany cho biết, Tổng thống Mohamed Morsi có thể sẽ hủy bỏ hai điều khoản gây tranh cãi trong bản tuyên bố hiến pháp được ban hành ngày 22.11 vừa qua.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ Văn phòng tổng thống Ai Cập đang xem xét sửa đổi tuyên bố hiến pháp, đặc biệt là điều khoản thứ 2 và thứ 6, trong đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền xem xét, hủy bỏ bất kỳ quyết định nào của tổng thống.
Chủ tịch Câu lạc bộ thẩm phán Ahmed al-Zend cho biết đại đa số các thẩm phán và công tố viên sẽ không tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp.
Quang Minh