Dân Việt

Tiếp vốn cho nông nghiệp công nghệ cao

Lâm Anh 21/10/2014 15:51 GMT+7
Gần 2.000 tỷ đồng là số tiền mà Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tung ra để thúc đẩy cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là lần thứ 3, ngân hàng ký quyết định ưu tiên vốn cho lĩnh vực này…

Chính sách đặc thù…

Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ban hành Quyết định phê duyệt danh sách ngân hàng thương mại và khách hàng tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ (đợt 3) vẫn chưa ráo mực.

Theo đó, có 19 dự án tại 16 tỉnh, thành phố với tổng nhu cầu vốn vay dự kiến là 1.926,34 tỷ đồng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho vay thí điểm để triển khai các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các tỉnh, thành phố có dự án tham gia là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Các dự án chủ yếu triển khai cánh đồng mẫu lớn, đầu tư bao tiêu sản phẩm mía, dự án trồng rau củ quả an toàn trên vùng đất cát, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, chế biến sắn... 5 ngân hàng tham gia hỗ trợ vốn đợt 3 này gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Trước đó, các ngân hàng thương mại cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng đợt 1 và đợt 2 với các doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Nghệ An với tổng giá trị 2.720 tỷ đồng.

Hướng đến sản xuất lớn, hiệu quả

Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là một định hướng lớn để tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đây cũng là một xu thế mới trong hội nhập, mang lại lợi ích lớn trong việc hình thành tập quán canh tác theo hướng nông nghiệp hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, khai thác hợp lý đất đai, tiết kiệm đất cho nông nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Mạnh- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Với chương trình thí điểm này, ngành ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Tiến Đông-Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng nhìn nhận, trong thời gian qua, ngân hàng cho vay các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả lớn. Điển hình tại Cần Thơ, Agribank đã cho vay theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Tại Hà Nam, Agribank cũng đã triển khai cho vay theo mô hình liên kết 4 nhà để chăn nuôi lợn (người chăn nuôi, nhà cung cấp, ngân hàng và người tiêu thụ).

Cho đến nay, các đơn vị có dự án được vay vốn của chương trình này đều đánh giá rất cao nỗ lực của ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco)- một trong 4 doanh nghiệp đầu tiên được vay vốn cho biết, dự án “Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco-sản xuất-chế biến-xuất khẩu” mà công ty được vay vốn và đang thực hiện nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý môi trường, dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia và nâng cao giá trị thương hiệu cá tra Việt Nam. Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến tập trung quy mô công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An mà Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đang thực hiện cũng nằm trong chương trình thí điểm này đã và đang giúp người nông dân tại đây trở thành những “công nhân nông dân” với thu nhập ổn định và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều nguồn lợi hơn cho khu vực này.

  Để thúc đẩy sự phát triển khu vực nông nghiệp, các ngân hàng cho rằng cần có những chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay phát triển khu vực nông nghiệp nhiều hơn nữa. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần xem xét một số biện pháp hỗ trợ đối với người vay vốn như thành lập quỹ bảo lãnh vốn nông nghiệp; bảo hiểm tín dụng nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các tổ chức tín dụng tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp…