Thưa ông, để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội từ nay tới cuối năm và cho cả năm bản lề 2015, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần tập trung đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực “tam nông” bởi đây là mặt trận an toàn cho đa số người dân, chỗ dựa quan trọng của nền kinh tế. Ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng, khu vực nông thôn hiện đang được ví như cái nhà xuống cấp mà chỗ nào cũng có vấn đề, chỗ nào cũng cần phải sửa. Dù Chính phủ đã và đang có không ít chính sách, song thực tế là nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn đang không biết bấu víu vào đâu, làm gì cũng thấy khó, không biết cái gì nên làm trước, cái gì nên làm sau để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này. Nền nông nghiệp thì bấp bênh, người nông dân thì quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không thể khấm khá. Chúng ta đã nói nhiều đến “tầm nhìn, chiến lược” cho khu vực này nhưng cảm nhận của tôi là dường như mọi thứ vẫn còn nằm trên... giấy và rất lúng túng. Chúng ta đã nghe quá nhiều “sự quan tâm” song chính sách nào, chủ trương nào để vực dậy nông nghiệp, nông thôn lại không cụ thể. Phải có giải pháp mang tính đột phá, giải quyết được tận gốc rễ thì nông nghiệp, nông thôn mới có thể thoát ra khỏi tình cảnh như bây giờ.
Vậy “gốc rễ, đột phá” cụ thể ở đây là như thế nào, thưa ông?
- Vì kinh tế nông thôn hiện như là một cơ thế ốm yếu, sờ đâu cũng có vấn đề rồi nên chúng ta mới phải tìm ra trong những cái “ốm yếu, có vấn đề” đó để từng bước tháo gỡ cho nó. Trước hết, chúng ta phải xác định lại tư tưởng làm nông nghiệp hiện nay là chỉ vì nông nghiệp hay làm nông nghiệp hiện nay vì cả nền kinh tế?! Từ đó, mới đổi mới được sản xuất nông nghiệp theo hướng phù hợp. Các chính sách cho nông nghiệp hiện nay từ tín dụng, đất đai, lao động, khoa học công nghệ... đang bị “cào bằng” hoặc “cấu chỗ nọ một ít, chỗ kia một ít” nên nền nông nghiệp hiện nay chỉ phát triển được bình bình. Nông nghiệp, nông dân hiện vẫn vô cùng khó khăn. Người nông dân ở thế nào cũng yếu, trong khi nông nghiệp phát triển không bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phát triển nông nghiệp, nông thôn càng được nhận ra là phải trở thành chỗ dựa cho nền kinh tế. Nhưng làm sao để hiện thực hóa được điều này không phải dễ?
- Đúng là như thế bởi chúng ta chưa có chính sách trọng tâm, đột phá. Chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nhiều năm nay vẫn làm theo kiểu mùa vụ, không có chiến lược nên người nông dân luôn ở trong tình trạng “được mùa mất giá”, dịch bệnh chưa đến thì nông dân đã “chết”. Chiến lược quy hoạch lại khu vực sản xuất nông nghiệp cũng không rõ ràng, bài bản. Sản phẩm nông nghiệp lớn nhưng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào được sau thu hoạch, công nghiệp chế biến còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp muốn vào để làm sau thu hoạch nhưng cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa kể, việc tổ chức lại thị trường tiêu thụ, cung ứng sản phẩm nông nghiệp cũng như hỗ trợ người nông dân xây dựng thị trường cũng làm không được là bao... Tất cả những bất cập này tôi cho rằng, bản thân người nông dân sẽ không thể giải quyết nổi mà Nhà nước phải hỗ trợ, định hướng cho họ.
Nhưng hỗ trợ, định hướng như thế nào, thưa ông?
- Trước hết phải xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn không phải theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó” mà phải đặt nông nghiệp ở đúng vị trí của nó. Bởi đặt chính sách gì thì đặt mà không có lợi ích ở trong đó thì người ta sẽ không làm nông nghiệp nữa. Thực tế có những cái chúng ta có thể thấy ngay là nông nghiệp đang bị lấy đi quá nhiều nhưng không được đầu tư trở lại tương xứng. Chúng ta khuyến cáo nông nghiệp là phải bước ra thế giới nhưng đi như thế nào thì lại quá lúng túng- phải gỡ cho nông thôn những điều này.
Muốn nông nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu theo xu thế hiện nay thì tư duy sản xuất nông nghiệp phải thay đổi trước rồi sản xuất nông nghiệp kiểu mới có thể bước vào được. Giờ ta tư duy còn chưa thoát ra được thì sản xuất nông nghiệp hiện đại càng chưa có, mà tôi cho tháo gỡ những điều này không phải quá khó, quá tốn tiền.
Xin cảm ơn ông!