Dân Việt

Mạnh tay với dân, nhẹ doanh nghiệp?

06/12/2012 07:49 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là câu hỏi mà Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhận được khi trả lời chất vấn ngày 5.12 tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XIV.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh thừa nhận việc các dự án được giao đất nhiều năm nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí là thực trạng gây bức xúc hiện nay.

img
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh (phải) trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Hoài Nam.

Ông Khanh cho biết thêm: Từ năm 2009 đến nay, UBND thành phố đã có 2 kế hoạch tổng thể, trong đó xác định 6 nhóm giải pháp khắc phục, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đưa đất vào sử dụng hiệu quả; thanh tra, xử lý các đơn vị có vi phạm. Qua thanh tra, kiểm tra 882 tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm đã xác định 779 tổ chức vi phạm ở các mức độ khác nhau. UBND thành phố đã thu hồi đất của 45 tổ chức với tổng diện tích 828,6ha.

Một số đại biểu chất vấn về việc nhiều dự án “treo” dù công tác thu hồi đất của người dân phục vụ doanh nghiệp triển khai dự án được thực hiện rất nhanh.

“Khi thu hồi đất của người dân thì làm quyết liệt, thậm chí là cưỡng chế. Nhưng khi các dự án này vi phạm pháp luật, để hoang hóa lâu ở những vị trí đắc địa thì phải làm gì để bảo đảm sự công bằng?”- đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi.

“Các dự án chậm triển khai, để hoang hóa là vi phạm pháp luật, thành phố phải xử lý thế nào?” - đại biểu Nguyễn Xuân Diên nhấn mạnh. Một số đại biểu cũng nêu thực trạng: “Khi giải phóng mặt bằng đất của dân đang ở hợp pháp để phục vụ các dự án thì triển khai rất nhanh, nhưng sau đó lại… để đấy. Thái độ của lãnh đạo thành phố ra sao với những dự án để đất hoang từ rất lâu?”.

Trong phần chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng, xung quanh vấn đề xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, ông Hùng thừa nhận: “Đây là việc khó. Đến thời điểm này, còn 66/788 trường hợp vi phạm chưa được xử lý và rất khó xử lý”.

Khá lúng túng trước các câu hỏi liên tục xoáy vào vấn đề “nóng bỏng” nhất của thủ đô, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh thừa nhận: “Nhiều câu hỏi vượt quá khả năng trả lời của tôi” và xin phép chỉ trả lời các vấn đề trong mảng công việc được phân công”. Ông Khanh đưa ra con số: Không phải UBND thành phố không dám làm và không quyết liệt làm. Trong số 828,6ha đất thu hồi, có những dự án rất phức tạp, nhưng đã vi phạm thì phải xử lý.

Về quan điểm xử lý, Phó Chủ tịch cho biết thêm: UBND thành phố Hà Nội không có quan điểm làm mạnh tay với dân hơn với doanh nghiệp. Tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, xử lý theo quy định của luật từ thấp đến cao. Cơ quan nào bao che, bảo kê, dung túng, UBND thành phố sẵn sàng kiểm tra, xử lý. Ông Khanh cũng khẳng định: “Quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm các chủ dự án để đất hoang hóa, không trừ một ai, kể cả công ty của nhà nước. Nếu được cung cấp địa chỉ sai phạm, thành phố sẽ xử lý hết”.

Xây dựng Đà Nẵng là “thành phố đáng sống”

Ngày 5.12, HĐND TP.Đà Nẵng thông qua nghị quyết phân bổ dân cư trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó cho phép một số quận nội thành hạn chế nhập cư. Việc thông qua đề án “Phân bổ dân cư trên địa bàn TP.Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020”, thành phố Đà Nẵng hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là “thành phố đáng sống”. Hiện tại Đà Nẵng, hơn 4/5 dân số tập trung trên một diện tích bằng 1/4 diện tích toàn thành phố. Trong đó, quận Thanh Khê và Hải Châu chiếm 39,7% dân số thành phố nhưng diện tích đất chỉ chiếm 2,6% diện tích thành phố. “Nếu không có giải pháp quản lý, phân bổ dân cư hợp lý thì mọi thành quả xây dựng bao năm qua của chính quyền và nhân dân thành phố sẽ đổ xuống sông Hàn" - ông Nguyễn Bá Thanh - Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nói.

TP.HCM: Giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2

Ngày 5.12, HĐND TP.HCM thảo luận và thông qua các tờ trình. Trong đó, tờ trình về bảng giá các loại đất trên địa bàn TP.HCM sẽ có hiệu lực từ 1.1.2013. Theo đó, so với bảng giá đất năm 2012, bảng giá đất của nhóm đất nông nghiệp năm 2013 không thay đổi. Lý do vì bảng giá đất nông nghiệp năm 2012 đã điều chỉnh hết giới hạn cho phép so với mức giá tối đa, do đó bảng giá đất nông nghiệp năm 2013 vẫn giữ nguyên. Cụ thể, bảng giá đất trồng lúa nước và đất trồng cây hàng năm khác, cao nhất 162.000 đồng/m2, thấp nhất 58.000 đồng/m2. Còn đất ở đô thị, khung giá tối thiểu 1,5 triệu đồng/m2, khung giá tối đa 81 triệu đồng/m2...

Bình Phước: Xem xét nhiều tờ trình

Ngày 5.12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Phước, các đại biểu đã nghe báo cáo, xem xét đề án, tờ trình của thường trực HĐND, UBND tỉnh và các đơn vị chức năng về các nội dung như: Chương trình giám sát của HĐND; kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách; quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh; chế độ đối với công an khi làm nhiệm vụ; quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2015...