Thưa TS, sau 8 năm gắn bó đi về với Việt Nam, ông lại có quyết định ra đi để lập nghiệp ở Mỹ, vì sao vậy?
- Quả tình tôi khá thất vọng về sự trì trệ tiếp diễn của kinh tế Việt Nam. Trong quãng đời làm ăn của tôi, tôi đã từng đối diện với tình huống tương tự tại nhiều quốc gia khác. Nhưng tôi không có cảm xúc gì như lần này vì những nơi đó không phải là “quê hương” với những ký ức và kỷ niệm êm đềm trong quá khứ. Tuy nhiên, lần này lý do chính là vì một quyết tâm thay đổi. Tôi đã ở châu Á suốt 20 năm qua, đã đến lúc phải lật một “trang sử” mới cho đời sống cá nhân.
Khi Alan Phan trở về Việt Nam cách đây 8 năm, giới kinh doanh Việt Nam đã chờ đợi sự đột phá nào đó từ ông, song thực tế, người ta thường thấy một Alan Phan xuất hiện ở Việt Nam trong vai trò là cố vấn về kinh tế chứ không phải là một nhà đầu tư, vì sao vậy?
- Tôi đã đầu tư thử nghiệm tại Việt Nam và mất khoảng 2 triệu đô la trong cuộc chơi này. Nhưng đây chỉ là một thất bại nhỏ, không quan trọng khi nhìn từ đại cuộc. Tôi không lao hết lực vào dự án nào ở Việt Nam vì sau khi nghiên cứu khảo sát cẩn thận, tôi thấy kỹ năng của mình hoàn toàn không thích hợp. Qua 44 năm kinh doanh, tỷ lệ thắng thua của tôi chỉ vào khoảng 65/35. Hơn trung bình một chút.
Nhiều người bi quan cho rằng, TS Alan Phan rời Việt Nam là tín hiệu cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam không mấy sáng sủa trong tương lai. Liệu đó có phải là sự thật không?
- Tôi nghĩ rằng môi trường làm ăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục trì trệ trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, cơ hội vẫn rất nhiều và rất tốt cho những doanh nhân biết nắm bắt. Các thành phần kinh tế khác có nhiều triển vọng là nhà đầu tư FDI, quỹ mạo hiểm, doanh nghiệp gia công và xuất khẩu.
Mới đây, Trung Quốc đã chiếm vị trí của Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới (dựa trên sức mua), vậy ông có tự tin khi trở lại Mỹ lập nghiệp ở tuổi 69?
-Tôi tự tin là mình sẽ đóng góp hữu hiệu cho các đối tác và nhân viên song hành trong công việc hàng ngày. Tuy nhiên, sự thành công của một doanh nghiệp tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quá phức tạp để có thể dự đoán chính xác. Cứ đem hết khả năng tham dự cuộc chơi và để “số phận” định đoạt thành bại?
TS có thể tiết lộ chi tiết hơn về kế hoạch thiết lập một doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ in 3D tạo ra sản phẩm đặc thù, mà ông đang ấp ủ không?
- Thực sự, tôi muốn thiết lập một doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ in 3D tạo ra một sản phẩm đặc thù và xây dựng hoàn thiện một thương hiệu mình có thể hãnh diện. Vài chuyên viên của công ty đang thu góp dữ liệu để lập kế hoạch cho dự án. Ấp ủ là một chuyện, còn việc khả thi thì cần đến những con số chính xác và thực tế. Chúng tôi chỉ biết rõ để quyết định đầu tư trong vài tháng tới.
Điều khó khăn nhất khi bắt đầu cuộc chơi mới ở tuổi 69 là gì, thưa ông?
- Sức khoẻ là quan tâm hàng đầu. Sau đó là sự năng động để ứng phó với thử thách và kiên nhẫn để chịu đựng và vượt qua những lỗi lầm.
TS có lời hứa hẹn ngày trở lại Việt Nam không?
- Mọi khởi nghiệp đều chiếm rất nhiều thời gian; nên tôi nghĩ là thời gian để đi về Á châu thường xuyên sẽ bị nhiều giới hạn.
Xin cảm ơn ông!