Sau nhiều lần hẹn không thành, cuối cùng “vua đồ cổ” - Phan Tấn Nam (Q. Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cũng réo tôi đến nhà chơi: “Chú em đến nhà anh xem mấy lệnh bài, thẻ bài thời các vua chúa và các tượng đá, đồng, cầm thạch của văn hóa Óc Eo, Phù Nam, Champa, Khmer… anh mới sưu tầm nè”. Tôi nghe anh mời mà như mở cờ trong bụng!
Độc nhất, vô nhị
Bước vào căn phòng nhỏ chưa đầy 12m2, tôi như lạc vào một bảo tàng của những thế kỷ từ 12-15 với những bộ sưu tập cổ vật độc đáo. Trước mắt tôi không những vô số những cổ vật lạ mắt, mà còn cả một kho tàng sách khảo cổ học đủ mọi thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp… và nhiều sách chuyên nghiên cứu về hóa học, địa chất, địa hóa, kim loại, ngọc học, công nghệ chế tạo gốm sứ…
Anh Phan Tấn Nam với bộ sưu tập thẻ và lệnh bài bằng ngọc 4.000 năm tuổi. (Ảnh: Trần Thế)
Anh Nam cho biết chơi cổ vật cốt để học hỏi nghiên cứu là chính. Anh chơi cổ vật để thỏa mãn thú vui tinh thần chứ không để kinh doanh. Theo anh, người chơi cổ vật khi đã hiểu được những giá trị về thể chất, lịch sử, văn hóa của những cổ vật mình được sở hữu sẽ mở mang thêm kiến thức của một kho tàng văn hóa của thế giới cổ xưa.
Trong lúc trò chuyện anh đổ một ít nước vào chiếc bình gốm tráng men cổ. Ít phút sau anh đưa chiếc bình cho tôi xem và chỉ cho thấy phản ứng phong hóa với hiện tượng sùi vôi ra ngoài thành bình và khẳng định đây mới thật là đồ cổ. Cầm chiếc bình anh bật mí: “Những hoa văn còn sót lại trên các cổ vật không hề có hiện tượng men bị phân hủy, đó mới chính là nét độc đáo và thú vị nhất để phân biệt đồ cổ thật với đồ giả cổ”.
Anh Nam kể anh may mắn được thừa kế một số cổ vật của ông nội và bố vợ mang từ bên Trung Quốc qua từ đầu thế kỷ 20. Được ông cha “truyền nghề” cộng thêm lòng đam mê cổ vật nên từ năm 1996 anh Nam bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu và chơi cổ vật. Hiện anh sở hữu trên 100 món đồ cổ. Bộ đồ cổ anh thích nhất là bộ lệnh bài, thẻ bài, bộ ngọc lễ khí cổ bằng ngọc cực hiếm và vô giá có cách đây ước chừng từ 3.000 – 4.000 năm. Kế tiếp là bộ đèn cổ tùy táng bằng gốm tráng men thời Lục Triều (Trung Quốc) cách nay trên 1.500 năm, bộ gốm ấm rượu đời Tống, bộ đá thờ cúng Champa và bộ đồ xứ cổ đời nhà Thanh (TQ)…
Bộ sưu tập tượng thần của anh Nam. (Ảnh: Trần Thế)
Anh Nam nói thêm, chơi đồ cổ không những phải tìm hiểu xuất xứ lai lịch, lịch sử cổ vật mà còn phải biết rõ về khoa học công nghệ chế tác cổ vật, về trình độ văn minh, giá trị văn hóa của từng món cổ vật qua các thời kỳ. Mỗi cổ vật là một thông điệp với nhiều ý nghĩa và công dụng khác nhau. Nó truyền tải những thông điệp văn hóa xa xưa có cách đây nhiều thế kỷ. Như để minh chứng cho điều này, bất ngờ anh đưa tay lấy ra một thẻ bài bằng ngọc đang đeo đã ngả màu vàng lên huyết tẩm đỏ chói, rồi nói: “Cái thẻ bài này tự nó phản ứng hóa học và thay đổi màu theo thời gian. Khi chiếu đèn vào ngọc ánh sáng lóe lên đi xuyên qua nó phát ra màu đỏ cam tuyệt đẹp, trên thẻ bài đó còn có chạm nổi hình chữ “Thiên”. Ngoài ra, thẻ bài này đeo vào tốt lắm, nó làm cho cơ thể chống được hàn và kháng được những bệnh cảm nhẹ. Đây là miếng ngọc “ngự dựng” thời Tây Chu (TQ) có cách nay 2.700 – 3.100 năm”.
Nói đoạn anh Nam lui vào trong sau đó bê ra 2 bộ sưu tập ngọc cổ gồm một bộ “lễ khí” từ đời Tây Chu cách nay trên 3.000 năm cho tới đời nhà Thương (TQ) cách đây 4.000 năm. Trên các miếng ngọc nhiều màu có chạm hình các vị thần mà người xưa thờ cúng lúc tôn giáo chưa ra đời như: Thần mặt trời, Sơn thần, Thủy thần, Lôi thần, Mộc thần…
Một bộ tập ngọc khác là những lệnh bài có chữ “Thiên viết” của triều vua Tây Chu và các thẻ bài ngọc mà cách nay trên 3.000 năm chỉ giành cho các bậc vương quyền đeo để khẳng định đẳng cấp và quyền lực. Trong số này có 2 thẻ bài bằng bạch ngọc khắc chạm trên đó những chữ cổ đời nhà Thương (TQ) cách nay gần 4.000 năm mà các chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa dân tộc học cho đến nay vẫn chưa giải mã được.
Khi nghe hỏi những bộ sưu tập cổ mà anh sở hữu trị giá bao nhiêu? Anh cười nói: “Có những thứ vô giá. Vả lại, nếu đã chơi đồ cổ thì không nên đem ra sánh bằng tiền vì nó có giá trị về gốc độ văn hóa và lịch sử nên mới vô cùng quý”.
Gần đây anh Nam vừa sưu tầm thêm một số món hàng “độc”, chẳng hạn như: Nhất thống bình men nếp thời vua Minh Tuyên Đức (Trung Quốc) ở vào thế kỷ 15; bình sứ lục giác của cung đình thời Lê – Trịnh vào thế kỷ 18, trên bình vẽ bức tranh tuyệt sắc có sáu loài chim rừng, sáu loài cây rừng, sáu loài lan rừng, 12 cảnh vịnh Hạ Long được đặt làm tại cảng Đức Trấn (Trung Quốc), cặp bình hoa tứ giác ngũ sắc đời Khang Hy (Trung Quốc) ở vào thế kỷ 17 thuộc loại Quốc Bảo Trung Hoa, tiếp theo là hũ Thái Tử ngự long mã huyết đĩa thời Khang Hy (Trung Quốc) thế kỷ 17, bát ngự dụng rồng năm móng thời Lê Trịnh vào thế kỷ 18...
Có lúc gia đình tôi gần như khánh kiệt vì dồn tiền để tôi mua một báu vật mà mình tìm ra. Đối với tôi chơi cổ vật là phải biết tường tận về những cổ vật thì mới thú vị và thỏa mãn... Một phần tôi chơi cổ vật cũng để tiếp tục gìn giữ và xây dựng bộ di vật gia bảo trong gia đình cho con các thế hệ sau này... - Anh Phan Tấn Nam
Hy sinh tất cả những thú vui khác
Anh Nam cho biết để sở hữu được những cổ vật này anh phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí để sưu tầm, nghiên cứu. Anh mê đến nỗi có lúc “cuốn khăn gói” đi học các chuyên gia sưu tầm đồ cổ ở TP.HCM, Hà Nội, những bậc thầy về hóa, địa hóa, kim loại, công nghệ vật liệu, ngọc học… ở Phân viện Khoa học vật liệu, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, những nhà lịch sử văn hóa dân tộc học và cả những chuyên gia giám định cổ vật ở Đại học Milano Bicocca (Ý), Đại học Lille (Pháp) và Viện Kist Seoul (Hàn Quốc), các giáo sư nghiên cứu khảo cổ học ĐH Thành Đô – Tứ Xuyên (Trung Quốc) và nhiều anh em chuyên về nghiên cứu cổ vật trong nước.
Bình rượu vua Đường, chạm trổ cảnh lễ hội của người (Ba Tư) thế kỷ 7 - 9. (Ảnh: Trần Thế)
“Để có được một kho tàng cổ vật như hôm nay tôi gần như bất chấp đánh đổi nhiều thứ. Tôi gần hy sinh tất cả các thú vui của mình để lao vào lĩnh vật sưu tầm đồ cổ này. Có lúc gia đình tôi gần như khánh kiệt vì dồn tiền để tôi mua một báu vật mà mình tìm ra. Đối với tôi chơi cổ vật là phải biết tường tận về những cổ vật thì mới thú vị và thỏa mãn cuộc đời cho nên tôi tầm sư học đạo khắp nơi trong ngoài nước. Một phần tôi chơi cổ vật cũng để tiếp tục gìn giữ và xây dựng bộ di vật gia bảo trong gia đình cho con các thế hệ sau này” - anh thổ lộ.
Hiện anh Phan Tấn Nam là Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Cần Thơ. Vừa rồi anh đã tặng cho Bảo tàng Cần Thơ một số cổ vật quý hiếm để đem ra đấu giá gây quỹ cho người nghèo. “Tôi dốc tâm sức, tiền của để có được những cổ vật này. Tuy nhiên, nếu phải hy sinh những cổ vật này để giúp người nghèo thì tôi sẵn sàng cống hiến” - anh chia sẻ.