Dân Việt

Cô gái Cơtu 40 năm đi tìm lại mình

06/05/2011 13:21 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn 40 năm, cô gái ấy luôn băn khoăn: Mình là ai, mình ở đâu? Sự thôi thúc mãnh liệt về cội nguồn đã khiến một cô gái Cơtu không nhiều chữ viết nên cuốn tự truyện đã nổi tiếng ngay từ khi mới xuất bản: “Làng T’Râu của tôi”.

Giữa tháng 4.2011, cuốn sách “Làng T'Râu của tôi” dày gần 400 trang ra mắt độc giả miền Trung với cái tên tác giả khá xa lạ: A Chước Đen. Mọi người càng tò mò hơn khi tác giả cuốn sách là một cô gái người Cơtu, đang làm nghề cắt tóc ở số 9 Lý Thường Kiệt, TP.Đà Nẵng.

img
A Chước Đen với những lần tìm về nguồn cội.

Làng của nỗi đau

Gặp phóng viên tại nhà riêng, A Chước Đen nghẹn ngào: "Suốt mấy chục năm nay, trong tôi không lúc nào nguôi ngoai về hình ảnh gia đình mình thuở bé, với bố mẹ, anh em... Nhiều lúc trong cơn mơ, tôi nghe tiếng thét thất thanh của mẹ. Ký ức đau đớn cứ ám ảnh hoài trong tâm trí.

Không thể chịu đựng được, tôi đành mắc lỗi với chồng con, cầm cố tài sản rồi lang thang hết nơi này qua nơi khác, năm này qua năm khác để tìm lại quê quán, cội nguồn. Trong hành trình đi ngược về quá khứ này, tôi góp nhặt ký ức viết lên cuốn hồi ký”...

Từ câu chuyện trong hồi ký của A Chước Đen, chúng tôi tìm về làng T’Râu của chị ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế. Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của những người làng T’Râu may mắn không có mặt trong thảm họa tháng 4.1963, nỗi đau mất người thân như mới xảy ra hôm qua.

Ông Trần Bốn (SN 1943), du kích thời đó, kể: “Hồi đó, Mỹ nó lùng dân ghê lắm, bộ đội phải đưa dân vào rừng sơ tán, dăm bữa phải đổi chỗ một lần. Nhiều bản làng bị giặc tàn phá. Một ngày tháng 4.1963, bọn chỉ điểm đã dẫn giặc đến chỗ dân sơ tán. Chúng tỏa ra vây kín các chòi và các căn hầm tránh bom, sau đó chúng phóng rốc két vào bà con, tưới xăng đốt hết. Đến khi lửa cháy ngút trời, du kích tụi tui mới biết chạy về…”.

Bà Hồ Thị Sen (74 tuổi) vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại chuyện xưa. “Ka khin, ka pơn” (khủng khiếp lắm)-bà lẩm bẩm. Trong buổi sáng hôm đó, bà mất 3 đứa con: “Chúng đang chơi ngoài sân thì bất ngờ bọn Mỹ đến nổ súng giết sạch”.

Những người sống sót qua trận càn cho biết, một nửa dân làng đã bị giết hôm đó. Nhiều người bị thương nặng, bò xuống khe suối uống nước, vì kiệt sức nên nằm lại đó, xác người chồng lên nhau thành nấm mồ chung. Cũng tại khe này, nhiều người dân vô tội, nhiều du kích bị địch hành quyết nên bà con gọi đây là khe Tam Gok (khe chặt đầu). A Chước Đen mồ côi từ trận càn đó.

Ký ức không ngủ yên

Lúc trận càn xảy ra, A Chước Đen khoảng 3-4 tuổi, là 1 trong số 13 đứa trẻ may mắn sống sót được địch đưa về Cô nhi viện Đà Nẵng. Từ đây, nỗi ám ảnh khủng khiếp về gia đình, quê hương đã theo chị lớn lên từng ngày.

Sau ngày hòa bình lập lại, chị đi học trung cấp y tế ở tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. A Chước Đen đổi sang tên người Kinh là Đinh Thị Hải Đăng, với niềm tin mình sẽ vững lòng trên mọi bước đường gian truân để tìm lại cội nguồn...

img Ký ức đau đớn cứ ám ảnh hoài trong tâm trí. Không thể chịu đựng được, tôi cầm cố tài sản rồi lang thang hết nơi này qua nơi khác, năm này qua năm khác để tìm lại quê quán, cội nguồn. img

Năm 1978, chị nhận công tác tại một xã miền núi tỉnh Quảng Nam. 16 năm sống giữa núi rừng đã làm cho giấc mơ quê nhà của chị thêm bỏng cháy. Năm 1993, chị xin nghỉ việc theo chế độ trợ cấp một lần và chuyển về TP.Đà Nẵng mở tiệm cắt tóc nhỏ bên góc đường Lý Thường Kiệt để gần nơi công tác của chồng (Quân khu V).

Vậy nhưng, giữa thành phố sôi động, hình ảnh những người phụ nữ cổ đeo kiềng bạc, miệng ngậm tẩu thuốc, lưng đeo gùi luôn trở đi trở lại trong giấc ngủ của chị. Gặp ai chị cũng hỏi về làng xưa.

Rồi phận trời run rủi, câu chuyện buồn lan xa dần theo chân những người buôn hàng rong và đến tai ông Trần Văn Ca - nguyên Bí thư xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế. Và ông Ca nhận ra đây chính là người cháu gọi mình là cậu ruột.

Ông Ca cũng có đứa cháu gọi bằng cậu ruột thất lạc năm 1963, nên đã từng lặn lội về Đà Nẵng tìm manh mối của cháu (chính là A Chước Đen). Tuy lần đó A Chước Đen không gặp cậu Ca nhưng cơ duyên tìm về quê đã có lối mở…

Tìm về cội nguồn

Một ngày tháng 3.2003, đơn độc và thầm lặng, chị bắt đầu những chuyến băng rừng tìm về làng T’Râu, về ngôi mộ tập thể ở khe Tam Gok... Ngồi bên bếp lửa nghe già làng kể chuyện về vụ thảm sát năm xưa, lòng chị quặn thắt.

Lần đầu tiên được ông Ca - người cậu ruột dẫn về làng cũ (làng T’râu - Chavo), nơi chỉ còn dấu tích những thân gỗ dựng nhà cháy sém trơ trọi giữa nắng mưa, bước chân A Chước Đen khựng lại. Phải mất gần trọn cuộc đời, đứa con Cơtu lưu lạc mới được thỏa lòng khóc trên mảnh đất mình sinh ra. Chị gọi tên mẹ nức nở khi bám chặt cánh tay người cậu già nua lần về nơi ngọn lửa đã cướp mất bố mẹ...

Năm 2004, A Chước Đen gom góp những đồng tiền dành dụm bao nhiêu năm, trở lại Nam Đông xây nấm mộ chung cho những đồng bào Cơtu xấu số, trong đó có gia đình chị.

Viết sách

Song song với hành trình tìm về quê cũ, người phụ nữ Cơtu này cũng bắt đầu viết hồi ký. “Sau mỗi chuyến đi rừng về, tôi viết. Ban đầu viết mà không biết để làm gì. Nhưng rồi đến một ngày tôi nhận ra, mình cần phải cho mọi người biết đến. Nỗi đau này không phải của riêng tôi” - A Chước Đen tâm sự.

img
A Chước Đen giới thiệu bìa cuốn sách “Làng T’Râu của tôi”.

Sau 7 năm mày mò chỉnh sửa, cuốn sách “Làng T'râu của tôi” ra đời. Cuốn sách được chia ra 36 đề mục khác nhau: “Tiếng khóc trong khói lửa”, “Đứa con của biển”, “Cạm bẫy”, “Nụ hôn đầu đời”, “Tình mẫu tử”, “Tìm được mộ cha”, “Vĩnh biệt người cộng sản chân đất”, “Mái ấm linh hồn”…

“Cuốn sách này là món quà tri ân mà tôi dành tặng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em và bản làng”- A Chước Đen nói. Điều an ủi rất nhiều với cô gái dân tộc lần đầu cầm bút, là sách của chị được nhiều người khen hay, đọc cảm động. Hiện nay nhiều người lùng mua cuốn sách này.

Ít ai biết, tác giả đã phải “vất vả” như thế nào với trình độ văn hoá lớp 6 để viết nên cuốn tự truyện gần 400 trang giàu chất văn học như vậy. Để học cách viết, A Chước Đen tìm đọc các cuốn sách chủ đề “Hạt giống tâm hồn” của Công ty Trí Việt. Chị lại tình cờ quen với một nữ nhân viên của Trí Việt và được người này quý mến tặng 2 thùng sách (khoảng 50 cuốn) để chị đọc trau dồi kỹ năng viết.

Nhưng, từ những trang nhật ký viết vội, để nên cuốn sách đầy đặn là cả một câu chuyện dài. A Chước Đen tâm sự: “Tôi nghĩ chi viết nấy. Tôi không biết chấm phẩy chỗ nào, câu văn cứ tuôn ra như nước chảy trong khe suối. Nói về chính tả thì… ôi, sai toàn bộ!”. Ít nhất đã có 5 người tham gia giúp chị sửa câu, sửa dấu.

Quả thật, chưa thấy ai viết sách một cách “hồn nhiên” như A Chước Đen… Khi đi in sách, chị mang theo cả “sổ hồng” của gia đình để xin nhà in cho “cầm cố” vì chị không có tiền. Trục trặc nhiều lần, cuối cùng cuốn sách của chị cũng ra đời.