... Như đứa trẻ bơ vơ hay lớn lên nơi bãi sông ngoài làng, sắc đẹp của hoa bìm cứ làm người ta không thể không phải lòng, nhất là những cô bé, cậu bé thuở cắp sách đến trường vào những mùa Thu. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng viết rất hay về sắc đẹp ấy:
“Còn vạc gọi vì sao mai đi học
Hoa bìm ơi viên mực tím sương mù”
(Mùa Thu tôi đi học)
Nhưng rồi theo tháng năm, chúng ta lớn lên, xa quê, tuổi thơ thành kỉ niệm xếp vào một góc nào đó hoặc bị lãng quên, hoặc phủ bụi thời gian hoặc xóa nhòa trong tiềm thức. Hoa bìm cũng vậy, cứ chìm dần vào kí ức xa xưa.
Theo quy luật cuộc đời, ai cũng vươn tới nơi phồn hoa, đô hội. Ở đấy đâu thiếu những cây và hoa nhưng phải là những gì cảnh vẻ, rực rỡ, đắt giá. Vậy nên bên những bức tường rào bê tông vốn đã ngầy ngà màu sắc của sơn tường, của đá ốp lại thêm rườm rà bởi những giò phong lan tạp nham đủ loại theo kiểu khoe hoa. Nhìn mãi mới thấy đôi ba nhà có kiểu cách bài trí thì cũng lặp đi lặp lại những điệp khúc sắc màu.
Cho đến một hôm, trời hửng sáng sau nhiều ngày mưa lạnh, đang mải viết một tản văn về thành thị nhưng nhạt nhẽo vì không tìm ra nguồn cảm xúc bỗng nhìn sang sân nhà hàng xóm, từ đâu một cây bìm đã leo lên mảng tường xây dở nhiều năm với dăm, ba bông hoa bìm đã nở trong nắng mới. Có lẽ cả hai thứ ấy đã chẳng có gì lạ trong tôi nhưng màu hoa của quá khứ kia lại đồng hiện cùng những ngổn ngang gạch, ngói, bê tông mới.
Màu xanh mát rượi, màu tím thủy chung, bền bỉ như làm dịu đi cơn khát một đời sống quê mùa, đánh thức trong mình chất nhà quê đã ngủ quên sau bao năm tháng mưu sinh toan tính. Sắc hoa ấy cứ tự nhiên mà kiêu hãnh, âm thầm mà quyết liệt làm nên môt giá trị.
Và tôi miên man nghĩ, có lẽ trên đời thứ hoa nào cũng có một vẻ đẹp riêng, màu hoa nào cũng mang một sứ mệnh cứu rỗi tâm hồn chúng ta trước sự vô tâm, khô lạnh, giúp ta tìm lại tình yêu cuộc sống.