"Chợ quê” dưới tòa nhà 25 tầng
Sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, trung tâm thương mại Chợ Mơ mới đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 20.10 vừa qua. Trung tâm thương mại này là một tổ hợp cao tầng bao gồm văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp và chợ truyền thống. Trong đó, chợ Mơ truyền thống được đặt tại khu vực tầng bán hầm, dưới chân hai tòa nhà 15 tầng và 25 tầng, tổng diện tích gần 10.000m2. Chợ có tổng cộng ba lối lên xuống rộng rãi, một ở phố Minh Khai và hai ở phố Bạch Mai.
Chợ Mơ truyền thống nằm ở khu tầng hầm dưới chân 2 tòa nhà cao 15 và 25 tầng.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, khu vực chợ Mơ mới được tổ chức hoạt động theo mô hình chợ Mơ truyền thống. Chợ vẫn tổ chức các phiên truyền thống với 6 phiên vào các ngày 2 và ngày 7 âm lịch như chợ Mơ trước đây. Khách vào chợ được gửi xe máy, xe đạp miễn phí.
Các mặt hàng trong chợ Mơ mới rất phong phú, đủ các chủng loại từ quần áo cho đến các loại thực phẩm. Phong cách của người mua lẫn người bán cũng rất truyền thống.
Nhiều khách hàng lần đầu bước vào khu chợ mới đã cảm thấy bất ngờ bởi sự xuất hiện của những quầy bán cá, bán thịt, bán rau quả rồi quán trà đá, quán chè, quán bún, quán phở…
“Khi mới vào đây tôi cứ tưởng cái tên chợ Mơ là do chủ đầu tư đặt lại theo cái tên truyền thống còn việc buôn bán và thanh toán thì như các siêu thị. Nhưng mà không ngờ dưới hai tòa nhà cao vút như vậy lại có khu chợ truyền thống với đủ các mặt hàng quần áo, vải vóc, chim cảnh, cá cảnh, rổ, giá, đồ gốm sứ. Nhiều gian hàng như hàng cá, hàng thịt, rau quả… bày bán chẳng khác nào mấy chợ dưới quê. Tôi mua hàng cũng được trả giá thoải mái, thuận giá thì mua không thuận giá thì đi hàng khác. Theo tôi thấy thì giá bán các mặt hàng như cá, thịt, rau quả ở đây cũng chỉ ngang với các chợ truyền thống khác và chợ cóc bên đường”, chị Lê Thị Dung (ở đường Trương Định, Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều nhân viên văn phòng thích thú với các dịch vụ ăn uống bình dân ở chợ Mơ dưới tầng hầm.
Sự xuất hiện của mô hình chợ truyền thống bên dưới khu tầng hầm khiến nhiều nhân viên có văn phòng làm việc gần Trung tâm thương mại chợ Mơ cảm thấy thích thú.
“Trước đây, bọn tôi đổi món ăn cơm trưa sang ăn, bún phở... phải mất thời gian đi rất xa. Nhưng nay chỉ mấy bước chân xuống dưới hầm là có đầy đủ mọi thứ từ phở, bún chả đến những món ăn vặt như chè, cháo… để lựa chọn. Hàng quán ở đây cũng sạch sẽ mà giá cả lại rẻ hơn các hàng, quán trên phố”, chị Thư, một nhân viên ngân hàng cho biết.
Sạch đẹp nhưng lo vắng khách
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, các ki-ốt bên trong khu chợ Mơ truyền thống đã được các hộ kinh doanh tiếp nhận hoặc đang trong quá trình hoàn thiện cho phù hợp để đi vào hoạt động. Khá đông khách hàng đã tìm đến chợ Mơ mới. Tuy nhiên, theo một số tiểu thương, các mặt hàng bán ra vẫn còn khá chậm, nhiều khách vào chợ chủ yếu là để thăm thú.
“Tôi kinh doanh ở chợ Mơ cũ đến khi bị phá thì chuyển sang bán ở chợ tạm bên Kim Ngưu. Đến đầu tháng 10 năm nay khi chợ Mơ mới xây xong thì chuyển vào đây bán. Nhưng giờ hàng bán chậm lắm. Trước đây bán ở chợ tạm Kim Ngưu tôi bán 4-5 triệu tiền hàng mỗi ngày nhưng vào đây chỉ được 1 triệu mỗi ngày. Khách chưa quen chợ, chưa quen với việc đi chợ dưới hầm. Chúng tôi bán ở chợ nên việc chuyển chợ mất rất nhiều khách quen. Nhưng phải chấp nhận thôi. Những ngày qua cũng có đông khách vào chợ nhưng họ chỉ là đi thăm quan xem chợ có gì, giá cả thế nào sau đó họ mới quyết định có tiếp tục đến chợ hay không. Hy vọng là sau này bà con tìm đến chợ mua hàng ủng hộ”, chị Hồng, chủ cửa hàng bán các loại thực phẩm khô chia sẻ.
Tâm sự với phóng viên Dân Việt, các tiểu thương trong chợ Mơ cho biết, họ đã và đang tích cực đồng lòng xây dựng một thương hiệu chợ Mơ đa dạng về mặt hàng, ổn định về giá cả và đảm bảo về chất lượng.
Theo nhiều tiểu thương, lượng khách vào chợ khá nhiều nhưng họ mới chỉ thăm quan, xem giá cả chứ chưa mua nhiều nên hàng hóa khá ế ẩm.
“Tôi kinh doanh quần áo ở chợ Mơ trên 20 năm, khi được chuyển tới chợ mới cũng như các cửa hàng khác phải khôi phục lại từ đầu việc tạo dựng thương hiệu, khôi phục cơ chế bán hàng. Cũng như các cửa hàng khác, tôi muốn xây dựng văn hóa ứng xử với khách. Khi khách đến mua hàng, mình mời chào lịch sự, không chèo kéo khách, tư vấn khi cần thiết. Đặc biệt, bán đúng giá, không nói thách, hét giá cao và không tỏ thái độ bực mình khi khách chỉ xem mà không mua. Điều kiện cơ sở vật chất chợ Mơ hiện nay đẹp hơn, môi trường trong chợ theo hướng công nghiệp hiện đại nhưng tôi vẫn giữ phong cách bán hàng truyền thống”, chị Đào Xuân Diệp - chủ ki-ốt quần áo 260 cho biết.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số tiểu thương, để giúp chợ Mơ thu hút nhiều khách hàng, ngoài thái độ bán hàng tích cực thì họ cũng mong muốn cơ quan chức năng dẹp các chợ cóc, chợ tam quanh khu vực Trung tâm thương mại chợ Mơ.
Tiểu thương chợ Mơ đang hy vọng người dân sẽ đến chợ Mơ nhiều hơn trong thời gian tới.
“Tôi bán ở chợ Mơ cũ được hơn 30 năm hàng đồ ăn chay này. So với trước đây cơ sở vật chất của chợ giờ rất tốt, nhưng việc kinh doanh hơi khó khăn vì chưa có nhiều khách. Tôi rất mong lãnh đạo quận có phương án dẹp bỏ những chợ cóc ở bên ngoài, vận động người buôn bán tại các chợ cóc vào chợ để vừa ổn định trật tự mà giúp chợ Mơ thu hút được nhiều khách tới hơn”, bà Định - chủ ki-ốt bán đồ chay cho biết.
Các tiểu thương cũng đề đạt, họ mong muốn Ban quản lý chợ Mơ, chủ đầu tư phối hợp cùng lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dẹp bỏ các chợ tạm, chợ cóc quanh trung tâm thương mại, đồng thời hỗ trợ giảm bớt các chi phí điện nước, tiền thuế cho các hộ kinh doanh trong chợ ở giai đoạn mà khách tới chợ chưa nhiều như hiện tại.