Không khó chế biến
Là người đã gắn bó hàng chục năm với nghề chăn nuôi, ông Kim Hồng Chuyên, thôn Đại Nội, xã Bình Định (Yên Lạc) đã mày mò nghiên cứu ra “dây chuyền” và công thức chế biến TACN thủ công. “Dây chuyền” bao gồm một máy nghiền (ngô, đỗ, lạc, cá…) và một máy trộn, còn công thức trộn theo tỷ lệ được ông đúc rút từ việc tham khảo trên sách, báo và qua nhiều lần thử nghiệm. Với dây chuyền này, mỗi ngày ông có thể sản xuất ra được từ 1,2 – 2 tấn TACN.
“Tôi thường nuôi từ 300 – 500 con lợn, với cách làm này, mỗi kg thức ăn, tôi tiết kiệm được 1.600 – 2.200 đồng, tương đương bỏ ra 20 – 22 triệu đồng/tháng so với sử dụng TACN công nghiệp mua của các đại lý”- ông Chuyên tiết lộ.
Theo ông Chuyên, sở dĩ TACN tự chế có giá rẻ hơn mua ngoài thị trường, vì có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ (ngô, đậu…) với giá rẻ, đỡ tốn công vận chuyển. Hơn nữa, việc sản xuất trực tiếp không qua bảo quản nên chất lượng TACN cũng tốt hơn. Chính mô hình này của ông Chuyên đã “cứu” cho hàng trăm hộ chăn nuôi ở Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc… trước nguy cơ bỏ chuồng vì thua lỗ.
Ông Nguyễn Văn Toàn, xã viên HTX Chăn nuôi Bình Minh, Vĩnh Tường (HTX có khoảng 600 hộ chăn nuôi, quy mô từ 30 – 200 con/hộ) cho hay: “Mô hình tự sản xuất TACN này đơn giản, đầu tư không nhiều nhưng hiệu quả rất cao, phù hợp với cả chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại. Hai chiếc náy nghiền và trộn chỉ khoảng 14 triệu đồng, nhưng có thể nuôi được hàng trăm con lợn, hàng vạn con gà. Các hộ gần nhau có thể chung nhau máy để đỡ chi phí đầu tư”.
Hỗ trợ nhân rộng mô hình
Đánh giá về mô hình trên, ông Vũ Khắc Minh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc cho biết, đây là mô hình không mới, nhưng rất phù hợp và ý nghĩa đối với người chăn nuôi hiện nay, khi giá TACN liên tục tăng, còn đầu ra thì giảm. “Từ những kết quả bước đầu đạt được của mô hình ông Chuyên và số HTX Chăn nuôi, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ mua máy để tự sản xuất TACN. Theo đó, dự kiến sẽ được thực hiện theo trong hai năm 2014 – 2015. Hiện chúng tôi đang triển khai một số mô hình điểm ở các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường… với mức hỗ trợ từ 20 – 50% máy”.
Bước đầu triển khai mô hình điểm đã khẳng định được hiệu quả, giúp các hộ chăn nuôi đã bỏ chuồng, hoặc giảm đàn quay lại chăn nuôi, tăng đàn và đặc biệt đã bắt đầu có lãi. Bà Nguyễn Thị Sáu, xã Kim Long (Tam Dương) một trong những người được hỗ trợ 8,5 triệu đồng để mua máy nghiền, trộn cho hay: “Gia đình tôi thường xuyên nuôi 100 – 170 con lợn thịt, khoảng 5.000 con gà, vịt mỗi ngày tiêu tốn vài trăm kg TACN. Từ khi tôi tự sản xuất TACN, mỗi tháng tiết kiệm được 12 – 18 triệu đồng. Về chất lượng, cũng chẳng thua kém gì TACN ngoài thị trường, bởi đàn lợn nhà tôi vẫn tăng trưởng đều.
Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, họ đang gặp phải một số khó khăn khi triển khai mô hình là chưa biết dùng cách nào để bảo quản nguyên liệu, hơn nữa giá điện vẫn còn cao. “Mặc dù tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhưng để có nguyên liệu quanh năm thì bắt buộc các hộ phải tích trữ, nhưng bảo quản thế nào vẫn còn là một bài toán, bởi nếu xây kho sẽ rất tốn kém” – bà Sáu bày tỏ.
Về vấn đề này, ông Minh cho rằng, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó có thể áp dụng việc xây kho bảo quản, mà chỉ có thể bảo quản theo cách truyền thống là phơi khô bỏ vào bồ, túi nylon. “Đối với hộ chăn nuôi lớn, HTX thì có thể xây kho bảo quản. Bởi xây kho bảo quản sẽ rất tốn kém, nhưng nếu chăn nuôi ít rất lãng phí” – ông Minh cho hay.