Tâm điểm miền Đông
Đây là cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine đầu tiên kể từ sau sự kiện Maidan- đánh dấu cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát ở Ukraine. Dù sự kiện Maidan đã lật đổ được ông Viktor Yanukovich và đưa một ban lãnh đạo thân phương Tây dưới sự dẫn dắt của ông Poroshenko lên cầm quyền, nhưng đất nước Ukraine vẫn chìm trong vòng rối ren, mà vẫn đề cốt lõi hiện nay vẫn là tình hình ở miền Đông.
Cuộc bầu cử Quốc hội này được cho là sẽ bổ sung thêm lực lượng thân phương Tây để nối dài cánh tay quyền lực cho Tổng thống Poroshenko. Có 29 đảng phái chính trị tham gia bầu cử, tuy nhiên chỉ vài đảng có khả năng vượt ngưỡng 5% theo quy định để có đại diện trong Quốc hội Ukraine.
Truyền thông đưa tin, các cuộc thăm dò dư luận trước đó cho thấy nhóm chính trị ủng hộ ông Poroshenko nhiều khả năng sẽ trở thành lực lượng chính trong Quốc hội 450 ghế của Ukraine. Từ 8 giờ sáng, trong cái lạnh hanh khô gây uể oải, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa để đón cử tri đi bầu. Dạo quanh một vòng thủ đô Kiev, các điểm bỏ phiếu khá yên tĩnh, hầu như người dân thủ đô không xem ngày bầu cử này là “ngày hội” như nó vốn có.
Trở lại khu vực quen thuộc của đại đa số người Việt sống ở Kiev đó là chợ Troeshina, các quầy hàng của người Ukraine vẫn hoạt động bình thường như không hề có sự kiện bầu cử. Người dân Ukraine vẫn đi chợ, buôn bán cả ngày và tuyệt nhiên không thấy bàn luận gì đến cuộc bầu cử đang diễn ra cùng ngày.
Đem thắc mắc này hỏi những người Ukraine ở chợ Troeshina, thì nhận được câu trả lời rằng: “Chúng tôi đã mất lòng tin!”. Người dân Ukraine cho rằng, nếu Chính phủ không giải quyết dứt điểm được về vấn đề miền Đông theo chiều hướng nào đó, thì tình hình Ukraine càng tồi tệ hơn.
Về đời sống kinh tế hiện vô cùng tồi tệ, ngoại tệ tăng gần 100% kể từ sự kiện Maidan hồi năm ngoái, kéo theo các mặt hàng nhu cầu thiết yếu tăng theo chóng mặt. Không chỉ có người Ukraine khốn khó, người Việt tại đây đi chợ chỉ mong sao bán được hàng ra lấy tiền tiêu chứ không nghĩ gì được lời lãi nữa.
Người dân Kiev ví von rằng, tình hình đất nước hiện nay giống như việc đi xuống đường ngầm người ta bịt lối chắn phía trước. Thực sự vào được châu Âu là niềm mơ ước của đại đa số dân Kiev nhưng có vẻ đạt được điều ấy quá khó. Có lẽ chỉ là sự thất vọng về cách giải quyết miền Đông của chính quyền và họ bây giờ mặc kệ cho tình hình rơi vào tình trạng đến đâu hay đấy, dân chỉ chịu sự thụ động thôi, mà thử hỏi họ làm được gì?...
Xóa sổ phe thân Nga?
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Anh, cuộc bầu cử Quốc hội tại Ukraine có thể sẽ mang đến cơ hội “xóa sổ” các phe nhóm chính trị dựa vào Nga và có liên hệ mật thiết với cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Tuy nhiên, liệu cuộc bầu cử Quốc hội lần này có tạo ra đột phá quan trọng, giúp xoay chuyển tình hình Ukraine đang chìm trong khủng hoảng hay không vẫn là điều khó dự đoán nhất.
Theo giới quan sát, mặc dù các đảng phái ủng hộ việc xích lại gần châu Âu có nhiều cơ hội vươn lên, nhưng vấn đề nổi lên và chi phối bầu cử lại là cuộc xung đột ở miền Đông chưa tìm thấy giải pháp, bởi thỏa thuận ngừng bắn gây nhiều tranh cãi.
Với việc ký thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng nổi dậy, sau đó quyết định giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm, dường như ông Poroshenko đang phát đi một thông điệp khá rõ ràng rằng cử tri Ukraine sẽ phải lựa chọn, hoặc ủng hộ phe vì hòa bình do ông đứng đầu, hoặc ngả sang phe chủ chiến để tiếp tục đẩy đất nước vào nạn binh đao.
Ông Poroshenko cam kết sẽ tìm mọi cách tăng cường tiềm lực quốc phòng cho Ukraine, nhưng lại phản đối có thêm bất cứ hành động phiêu lưu quân sự nào ở miền Đông trong tương lai. Chính động thái này của ông Poroshenko đã dấy lên làn sóng tranh cãi quyết liệt trên chính trường Ukraine.
Các đối thủ chính trị của ông Poroshenko đồng loạt lên tiếng cáo buộc ông đang "dâng đất cho Nga", đồng thời ủng hộ chiến dịch quân sự chống lại lực lượng nổi dậy. Về cơ bản, sự tranh luận quyết liệt mà bên nào cũng cho rằng, mình có lý, đã làm phân tán tư tưởng của không ít cử tri Ukraine.
Phát biểu trên truyền hình đêm trước ngày diễn ra bầu cử, ông Poroshenko cho rằng, ông đang xây dựng một chương trình nghị sự ủng hộ châu Âu và đoạn tuyệt với quá khứ gắn liền với Xô Viết. “Nếu không đạt được đa số ghế trong Quốc hội, chương trình của Tổng thống chỉ đơn giản là… nằm trên giấy”, ông Poroshenko nhấn mạnh với các cử tri.
Ông Poroshenko đang cố gắng xây dựng hình ảnh một chính trị gia theo quan điểm trung dung, ủng hộ cải cách vì dân sinh và có khả năng hàn gắn những chia rẽ trong xã hội Ukraine. Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, điều này chỉ có thể giúp khối Poroshenko của ông nới rộng khoảng cách với các đảng phái khác tại cuộc bầu cử này, chứ chưa phải là đòn bẩy tạo ra những thay đổi thực sự để hướng tới mục tiêu bình ổn Ukraine về lâu dài như người dân mong muốn.