Dân Việt

Bón phân Văn Điển cho cây mía ở Thanh Hóa

PGS-TS Mai Quang Vinh 27/10/2014 17:05 GMT+7
Việc bón phân có ảnh hưởng rõ rệt đến sự đẻ nhánh, vươn lóng, bộ rễ sinh trưởng khoẻ và ăn sâu tận dụng chất dinh dưỡng trong đất và làm cho mía cứng cây tăng khả năng chống đổ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

Các hạn chế của sản xuất mía đường hiện nay

Mía đường là cây công nghiệp thích hợp chuyên canh cho các vùng đồi, đây là cây công nghiệp chủ lực của Thanh Hóa với diện tích hàng năm tới 36,5 ngàn ha, đã tạo công ăn việc làm cho 30 ngàn hộ với 45 ngàn lao động. Bà con nông dân các vùng trồng mía ở đây cho biết, phân bón chiếm tới gần 40% các yếu tố chi phí cho cây mía, phân bón góp phần điều chỉnh quá trình sinh trưởng, quá trình tích lũy đường và khả năng chống chịu (với gió bão, sâu bệnh...). Do vậy việc lựa chọn loại phân bón thích hợp, bón đúng kỹ thuật, đủ số lượng theo yêu cầu của cây và phù hợp với tính chất đất là rất cần thiết. Nông trường Hà Trung, Thanh Hóa đã tiến hành thực nghiệm bón phân NPK đa yếu tố chuyên dụng (ĐYTCD) Văn Điển cho cây mía và khuyến cáo cho các hộ trồng mía sử dụng rộng rãi loại phân bón này.

img

 

Yêu cầu dinh dưỡng của mía

Cây mía là cây phàm ăn cần một lượng dinh dưỡng lớn, cân đối và thích hợp với đất có tính kiềm có độ pH từ 5.5 -7.5, phân bón Văn Điển có ưu điểm là không tan trong nước, chỉ hòa tan trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra do đó hạn chế bị rửa trôi nên phù hợp với đất đồi dốc của địa phương. Kết quả điều tra tại Hà Trung cho thấy, đất trồng mía ở đây trồng ở trên đồi và trong vườn nên hầu hết là đất dốc do đó phân bón dễ bị rửa trôi, ngoài ra đất còn mang tính chất chua pH trung bình 4,5, nghèo chất trung, vi lượng.

Thực nghiệm phân bón ĐYTCD cho mía tại Thanh Hóa

Kết quả thực nghiệm cho thấy, lượng phân N,P,K bón hợp lý (kg/ha) tương ứng đối với mía tơ là: N200P115K230 (tương đương: 500 kg đạm ure, 690kg lân nung chảy Văn Điển, 460kg kali clorua) và mía gốc: N215P130K255 (470kg đạm urê, 780kg lân nung chảy, 510kg kali). Trên cơ sở lượng phân N,P,K hợp lý trên, phân ĐYTCD còn bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu khác (Ca, Mg, SiO2, S) và phân phối dinh dưỡng theo yêu cầu của cây mía trong quá trình sinh trưởng bằng các phân ĐYTCD theo quy trình là rất phù hợp, tạo cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh; cho năng suất mía đạt cao nhất, cao hơn rõ rệt so với công thức bón phân khác, đạt tương ứng với mía tơ và mía gốc đạt 100 tấn/ha (125,4-134,9 và 96,5-99,0 tấn/ha, chữ đường đạt rất cao 13 - 14) , tăng hơn so với công thức bón của nông trường viên (làm tăng năng suất tương ứng đối với mía tơ và mía gốc là: 64 -83% và 22 -27%). Kết quả nêu trên cho thấy cần phải bón phân cân đối cho cây mía với đầy đủ các yếu tố đa, trung và vi lượng để đạt năng suất và hiệu quả phân bón cao.

Bón phân ĐYTCD cho mía theo quy trình tạo thu nhập cao hơn nhiều cho người trồng mía cho với công thức bón phân thông thường, tăng tương ứng đối với mía tơ và mía gốc là: 63,8% và 22,1%. Nhờ bón phân cân đối và hợp lý còn làm tăng mạnh hệ số sử dụng của cây mía, hiệu suất phân bón và hiệu quả kinh tế (lãi thuần) cho người trồng mía do làm giảm mạnh chi phí mua phân bón (giảm tương ứng đối với mía tơ và mía gốc là: 1,5 triệu đồng/ha- 33,7% và 1,2 đồng/ha- 26,5%) mà năng suất mía vẫn đạt cao hơn nhiều.

Bón phân ĐYTCD cho mía còn đạt tỷ lệ lãi trên chi phí mua phân bón khá cao (10,4 và 6,4), cao hơn nhiều so với công thức bón phân khoáng khác, đồng thời tạo khả năng tiết kiệm chi phí sản xuất (phân bón và công bón phân, thuốc BVTV và công phun thuốc, không phải bón thêm vôi bột vì 1kg lân nung chảy có khả năng cải tạo độ chua tương đương 0,5 kg vôi bột) nên tạo khả năng đầu tư nhiều hơn trong sản xuất mía để đạt thu nhập và lợi nhuận cao hơn.

Bón phân Văn Điển có ảnh hưởng rõ rệt đến sự đẻ nhánh, vươn lóng, bộ rễ sinh trưởng khoẻ và ăn sâu tận dụng chất dinh dưỡng trong đất và làm cho mía cứng cây tăng khả năng chống đổ, tăng sức chống chịu với gió bão, chống chịu hạn úng cục bộ, chịu rét và nóng, bộ lá đứng có màu xanh vàng sáng với phiến to dày duy trì bền vững cho đến tận thu hoạch, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

(Theo Báo cáo của Nông trường Hà Trung, Thanh Hóa)