Dân Việt

Nghiên cứu cách bảo quản nhãn, vải tươi trong 7 - 8 năm

Thuận Hải 28/10/2014 06:22 GMT+7
Thông tin từ Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) - ông Nguyễn Xuân Hồng, Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu một số phương pháp bảo quản các sản phẩm trái cây trong thời gian dài, phục vụ xuất khẩu.

Bộ Khoa học Công nghệ đang tiếp nhận, khảo nghiệm trên trái vải thiều công nghệ bảo quản dựa trên nguyên tắc làm lạnh đột ngột của Nhật Bản. Bộ sẽ nghiên cứu đưa vào sử dụng các chất an toàn để kéo dài thời gian bảo quản cho vải, nhãn, giữ được chất lượng sản phẩm trong 7 - 8 năm.

img Bảo quản tốt sẽ giúp quả nhãn có điều kiện xuất khẩu đi nhiều nước.   

 

Cục Bảo vệ thực vật đã mời một doanh nghiệp Hàn Quốc sang hướng dẫn bà con xử lý nhãn, vải trước và sau khi thu hoạch để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu- sản phẩm có thể giữ được lâu như táo, lê nước ngoài.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao việc nhiều sản phẩm táo, lê bảo quản được từ 7 – 8 tháng không hư, do đã được xử lý hóa chất bảo quản trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Về vấn đề này, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, cách đây 2 năm, Cục đã yêu cầu phân tích tác hại, mức độ ảnh hưởng đến người tiêu dùng của các chất bảo quản sử dụng trong táo, lê nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Cục vẫn chưa phát hiện nguy cơ nào từ các sản phẩm này, chủ yếu là thuốc chống mốc, chống nấm…

Ông Hồng còn cho rằng, nhiều trái cây trong nước cũng giữ được trong thời gian rất lâu như quả bưởi hoặc quả bí ngô, bí đao… Trong khi đó, hiện tại đã có nhiều giống táo, lê chín muộn của nước ngoài có thể để được đến 2 tháng sau khi hái mới bắt đầu chín, nếu bảo quản ở nhiệt độ 1 – 5 độ C có thể giữ được 7 - 8 năm.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, trong 3 năm qua, dù đã kiểm tra gắt gao thông qua một công ty thứ 3, tuy nhiên, tỷ lệ các lô hàng rau củ quả nhập khẩu không đảm bảo chất lượng bị phát hiện rất ít.

Trong tổng số khoảng 400.000 tấn rau củ quả nhập khẩu các loại mỗi năm, tỷ lệ lô hàng không đảm bảo chất lượng bị phát hiện ở mức 1,5% trong năm 2012, 2% trong năm 2013 và xuống dưới mức 1% trong 9 tháng đầu năm 2014.