Dân Việt

Nhớ nhà dài của người Pa Kô

Ngọc Vũ 29/10/2014 07:58 GMT+7
Nhà dài là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Pa Kô ở huyện miền núi Đăkrông (Quảng Trị). Nhưng ngày nay, phong tục ở nhà dài chỉ còn trong tâm thức của những cụ già nơi rẻo cao hùng vĩ này...

Nhà dài xưa hơn trăm cặp vợ chồng sinh sống

Men theo đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử nằm sát mép sông Đăkrông uốn lượn, chúng tôi có mặt tại nhà già làng Hồ A Dóc 84 tuổi (tên thường gọi Vỗ Lành), trú bản A Đeng, xã A Ngo, huyện Đăkrông. Dưới ánh lửa bập bùng, giữa căn nhà sàn đơn sơ, già làng Vỗ Lành bồi hồi nhớ lại một thuở nhà dài. Ngày xưa bản A Đeng có 5 cái nhà dài.

Nhà dài của đại gia đình Vỗ Lành là ngắn nhất, có 90 người cùng sinh sống. Nhà dài được xây dựng theo lối nhà sàn truyền thống của người Pa Kô. Có một phòng khách rất rộng chừng 40m2 nằm ở trước, tiếp đó sẽ đến các phòng ngủ của mỗi gia đình nhỏ, rộng chừng 9m2.

img Nhà dài làm bằng bê tông cốt thép ở xã A Ngo (Đăkrông) chỉ là mô hình mô phỏng. 

Bà Hồ Thị Kim Cúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăkrông cho hay: Tuổi thơ của bà cũng ở trong nhà dài. Xưa kia nhà dài của gia đình ông Tôn Vên Phôn (trước đây là cán bộ văn hóa thông tin huyện Đăkrông) ở xã Tà Rụt là dài nhất, hơn 500m, với nhiều thế hệ, cả trăm cặp vợ chồng cùng họ hàng chung sống.

Ở trong nhà dài có sự sắp xếp thứ bậc để phù hợp với chỗ ở của mỗi người. Chủ nhà là con trai trưởng, quyết định mọi hoạt động của đại gia đình và sẽ được ở phía sau phòng khách. Tiếp theo sẽ đến những người có vai vế thấp hơn. Khi người con trai trong gia đình sắp làm lễ cưới, mọi người trong gia đình sẽ góp công, góp sức lên rừng chặt gỗ, làm thêm một phòng ngủ nối vào nhà dài cho đôi vợ chồng trẻ có tổ ấm riêng. Và cứ thế, có thêm một đôi vợ chồng, nhà dài lại dài thêm vài mét.

“Ngày xưa ở nhà dài tuy chật chội nhưng mà thích lắm, vui lắm. Có gì ngon cả nhà cùng ăn, có việc gì cả nhà cùng làm nên tinh thần đoàn kết trong gia đình rất cao. Hơn nữa, ở nhà dài, bà con, anh em trong họ đều biết nhau nên tránh được chuyện kết hôn đồng huyết” – già Vỗ Lành cho biết.

Nhà dài nay hết ưng cái bụng

Ý kiến

Bà Hồ Thị Kim Cúc
  Nhà dài là một nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Pa Kô. Nguyên bản đúng ra phải làm bằng gỗ, tranh, nứa, chạm khắc tinh tế… nhưng vì nguồn vốn có hạn nên chỉ phục dựng theo hình thức mô phỏng, làm bằng bê tông cốt thép. Mục đích là để con cháu sau này không quên nét đẹp văn hóa của đồng bào mình thôi.
 
Nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô thường được dựng bằng nguyên liệu sẵn có như: Khung nhà bằng gỗ, xương mái và sàn bằng tre nứa, mặt sàn, vách bao quanh nhà bằng phên nứa đập nát, mái lợp cỏ tranh đánh rất dày. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4 - 5m.

 

Gầm sàn cao hơn 1m, trước đây luôn được dùng làm nơi nuôi nhốt gia súc, sau này đã bỏ dần phong tục này. Các cột, kèo thường được đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật và những hoạt động, văn hóa của đồng bào. Có thể nói, nhìn vào nhà dài, người xa lạ cũng có thể hiểu được đôi phần về đời sống của người Pa Kô.

Từ những năm 1986 trở đi, thực hiện định canh định cư, tách hộ để phát triển sản xuất theo Chương trình xóa đói giảm nghèo 135, người Pa Kô bắt đầu bỏ nhà dài truyền thống, tách hộ thành những gia đình nhỏ một đến hai thế hệ. Đến nay, toàn huyện Đăkrông không còn một gia đình nào ở nhà dài. Và nhà dài mai một dần…

Trước nguy cơ nhà dài truyền thống của người Pa Kô biến mất, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực bằng nhiều cách phục dựng lại nhà dài. Năm 2013, một nhà dài bằng bê tông cốt thép (trị giá 3 tỷ đồng) ở trung tâm xã A Ngo đã được khánh thành, đưa vào sử dụng để phục vụ cho người Pa Kô của 4 xã A Ngo, A Vao, A Bung, Tà Rụt. Đây cũng là ngôi “nhà dài” duy nhất của người Pa Kô huyện Đăkrông hiện nay. “Nói thiệt có nhà dài Nhà nước xây mình vui, nhưng cũng buồn vì ngày xưa nhà dài làm bằng gỗ. Đồng bào mình ưng nhà dài bằng gỗ hơn” – già Vỗ Lành tâm sự.

Nhà dài là biểu tượng tự hào của huyện Đăkrông, nhưng nay đã bị mai một trong dòng chảy của đời sống hiện đại. Tuy nhiên, việc phục dựng nhà dài bằng bê tông cốt thép không đúng theo nguyên mẫu như hiện nay là điều đáng buồn và càng tiếc nuối nhà dài xưa của người Pa Kô.