Dân Việt

Thí điểm cấp Thẻ học nghề: Chưa thoát khỏi lối mòn

08/05/2011 01:34 GMT+7
(Dân Việt) - Nhận thẻ xong, người dân vẫn chưa thể tự chọn lớp học, nghề muốn học. Các quy trình thanh toán sau đào tạo của thẻ chưa rõ ràng... Đó là thực tế từ mô hình thí điểm cấp thẻ học nghề của Bộ NNPTNT đang thực hiện tại Bến Tre.

Dưới mái nhà lợp lá dừa nước loà xoà của chị Thái Thị Tuyết (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre), hơn 30 nông dân đang chăm chú nghe giảng về kỹ thuật trồng dừa mới và gia tăng các sản phẩm từ dừa. Dù ở xứ dừa nhưng ông Nguyễn Tấn Cường vẫn gật gù liên hồi trước những thông tin mà thầy giáo giảng giải. Ông Cường nói: "Học xong mà làm được theo những kiến thức đã học thì bà con sung túc".

img
Lớp học kỹ thuật trồng dừa theo hình thức thẻ học nghề tại xã Châu Bình (Bến Tre).

Lớp học thí điểm

Lớp học ở trong căn nhà trống tứ bề nhưng bàn ghế đàng hoàng, giảng viên giảng bài bằng micro và máy chiếu lên bảng khá hiện đại. Chị Thái Thị Tuyết hồ hởi: "Chúng tôi mới học được 7 buổi. Thầy nói học hết 17 buổi sẽ được thực hành nấu đường dừa. Ai cũng hồi hộp". Ngồi "dự thính" một buổi, chúng tôi thấy thái độ học tập của bà con hết sức cầu thị. Ông Nguyễn Trinh Liệt - kỹ sư Trung tâm Dừa Đồng Gò (Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu), giảng viên lớp học cho hay: "Bà con học rất kỹ, không hiểu gì là hỏi ngay và thảo luận rất sôi nổi".

Ông Đoàn Công Dự - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Giồng Trôm cho biết: "Đây là lớp học thí điểm cấp thẻ học nghề cho bà con. Học viên đã được cấp thẻ từ đầu năm 2011, sau đó bà con tự chọn nghề muốn học, thời gian học…".

Nói thì đơn giản nhưng quy trình thực hiện khá vất vả: UBND xã lập danh sách nông dân thuộc diện ưu tiên học nghề rồi chuyển về Phòng LĐTBXH huyện. Đối tượng thuộc diện nào (hộ nghèo, hộ nông dân mất đất, hộ gia đình chính sách…) thì phải có hồ sơ chứng minh... "Có 3 loại thẻ xanh, đỏ, vàng, tương ứng với 3 mức hỗ trợ: 3 triệu đồng, 2,5 triệu đồng và 2 triệu đồng cho mỗi khóa học. Hiện chúng tôi đã cấp cả 3 loại thẻ này cho bà con"- ông Ngô Đức Giảng - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH Bến Tre khẳng định.

Lo ngại về "thẻ mới, cách làm cũ"

Khi hỏi sự thuận lợi của người dân sử dụng thẻ học nghề, ông Giảng ngập ngừng: "Cái "được" lớn nhất là loại bỏ cơ chế xin-cho, người dân có thể học bất cứ nơi đâu, nghề nào họ muốn. Nếu học nghề có mức học phí cao hơn mệnh giá thẻ thì họ bỏ thêm tiền… Tương tự, các cơ sở dạy nghề cũng phải cạnh tranh để thu hút người học".

Tuy nhiên, là người trực tiếp triển khai thí điểm hoạt động này, bản thân ông Giảng còn chưa tự tin với cái "được" mà ông nhận định. Đơn giản vì "cơ chế để thực hiện thẻ học nghề còn mới quá, chưa triển khai đại trà được".

Ví dụ như tiêu chí "người học có thể đăng ký học ở bất cứ cơ sở dạy nghề nào" thì hiện ở Bến Tre, người học chỉ có thể đăng ký học ở một số trung tâm, trường dạy nghề thí điểm để có thể thanh toán được thẻ sau khi học. Các trung tâm này muốn thu hút được nông dân đi học thì vẫn phải về tận xã mở lớp.

img Thẻ học nghề có rất nhiều thuận lợi đối với người học, trong đó đảm bảo được tiêu chí "học đúng nhu cầu" theo tinh thần của Quyết định 1956/QĐ-TTg. Hiện, Bộ NNPTNT cùng Bộ Tài chính đang tiếp tục tháo gỡ những bất cập từ các lớp học thí điểm để có thể xây dựng chính sách hoàn chỉnh, hợp lý. img

Ông Phạm Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NNPTNT)

Ông Võ Lâm Sơn - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho hay: "Ngày khai giảng lớp cũng là ngày nông dân được phát thẻ học nghề. Sau đó, trung tâm dạy nghề huyện (đơn vị mở lớp) thu lại ngay”.

Việc quản lý thẻ cũng có nhiều bất cập. Theo ông Giảng, với cách hiểu thông thường hiện nay, người có thẻ học nghề có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở dạy nghề để đăng ký học. "Thế nhưng hiện nay chúng tôi vẫn phải ký hợp đồng với các cơ sở dạy nghề để đảm bảo thanh toán"- ông Giảng nói. Ngoài ra, thẻ học nghề được chi trả bằng nguồn ngân sách địa phương nhưng theo ông Giảng "hiện vẫn chưa có cơ chế thanh toán liên kho bạc giữa các địa phương”.

Chính vì thế, dù đã được cấp Thẻ học nghề nhưng về cơ bản hiện các lớp dạy nghề nông dân theo hình thức này ở Bến Tre vẫn tổ chức theo kiểu "gần như cũ". Được biết, cơ quan xây dựng chính sách là Bộ NNPTNT đang tiếp tục nghiên cứu những bất cập để hoàn thiện chính sách.