Ngoài những đặc trưng, ưu điểm của phân bón cũ, phân bón M1 còn có những đặc thù riêng, thích ứng với các loại cây trồng, các loại đất trên cả nước.
Hiệu quả rõ rệt
Lâm Thao (Phú Thọ) là một trong những huyện đầu tiên sử dụng loại phân bón mới NPK - S*M1 cho cây trồng. Anh Hà Ngọc Giang - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao chia sẻ: Hiện tại, huyện Lâm Thao có khoảng 800ha trồng ngô vụ đông, trồng lúa có khoảng 3.500ha/vụ/năm.Trong 3.500ha trồng lúa, chúng tôi sử dụng 100% phân NPK- S*M1 5.10.3-8 để bón lót. Đối với bón thúc cho cây lúa bà con nông dân sử dụng từ 65-70% phân NPK còn lại sử dụng phân đơn.
Theo anh Giang, khuyến nông huyện đã và đang phối hợp với Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức nhiều lớp tập huấn về sử dụng phân bón NPK cho bà con nông dân, xây dựng nhiều mô hình trình diễn cho các cây hoa màu như lúa, ngô hoặc các loại rau màu ở các vụ đông, vụ xuân.
Nói về hiệu quả sử dụng phân bón NPK- S*M1, anh Giang chia sẻ: “Sản phẩm NPK mới tốt hơn, hiệu quả cao hơn so với phân cũ. Phân tích kỹ hơn, trong phân mới NPK - S*M1 ngoài đạm và kali trong thành phần lân có 2 loại là lân tan trong nước có trong supe lân, và thành phần lân chậm tan có trong lân nung chảy.
Hiện tại, Trạm Khuyến nông huyện đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn, đồng thời phối hợp với Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bảo lãnh ứng toàn bộ phân bón cho nông dân tham gia vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Sau khi thu hoạch, bà con mới phải trả tiền phân cho công ty. “Đây là một hướng liên kết mà chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới” - anh Giang cho biết thêm.
Chị Lê Thị Lan (khu 5 xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) tâm sự: “Hiện giờ diện tích canh tác của gia đình là 8 sào. Khi dùng phân bón mới NPK- S*M1 để bón cho cây lúa, tôi thấy lúa tốt xanh, đòng to, cứng cây, cho ra hạt hạt chắc không bị đổ, chúng tôi thấy hiệu quả. Khi đưa phân bón sang cây ngô, tôi hy vọng nó cũng hiệu quả như cây lúa”.
Nói về tiềm năng phát triển của nhóm phân NPK- S*M1, ông Vũ Xuân Hồng– Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay: “Phân bón NPK- S*M1 có ưu điểm đặc biệt nổi trội, hơn hẳn các loại phân bón khác. Chúng tôi xác định đây là loại phân bón có hiệu quả tốt, đáp ứng với mọi loại cây trồng và có tính chất cải tạo đất”.
Được biết hiện nay, đất trồng ở Việt Nam đang có vấn đề về dinh dưỡng, độ phì của đất cũng giảm nhiều. Thời gian tới, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn phân bón này để làm sao có thể biến phân bón NPK- S*M1 thành phân bón với nhiều ưu điểm và có lợi thế cạnh tranh nhất trong thời gian tới. “Với thị trường mở rộng ở miền núi phía Bắc, ở miền Trung và Tây Nguyên, chúng tôi sẽ tăng cường và phát triển hơn nữa về chất lượng của loại phân bón này”- ông Hồng chia sẻ.
Kỹ thuật cần biết
Với “người bạn đồng hành” có giá trị cao như vậy, việc sử dụng sao cho đúng cách, đạt hiệu quả, năng suất cao luôn được đặt lên hàng đầu.
Về kỹ thuật sử dụng nhóm phân bón mới này, ông Phạm Đức Thành - Phó Trưởng phòng kinh doanh, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ: Hiện công ty đã xây dựng được quy trình bón phân khép kín, đó là từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch, bà con chỉ cần sử dụng một loại phân bón duy nhất là NPK- S*M1 cho bón lót và bón thúc. Quy trình này được áp dụng cho tất cả các loại cây trồng như lúa, ngô, một số cây rau màu, cây công nghiệp.
Đối với cây ngô vụ đông, chúng tôi khuyến cáo bà con nên sử dụng như sau:
- Bón lót: Trên nền phân chuồng 300kg/sào Bắc Bộ (BB), bà con dùng phân NPK- S*M1 5.10.3- 8 với liều lượng từ 25kg/sào BB. Nếu trồng với mật độ dày, bà con cần chú ý tăng lượng bón lót lên thêm 10kg/sào BB.
- Bón thúc thì bà con nên bón hai lần. Bón thúc lần 1 khi cây ngô có 3- 5 lá thật, bà con dùng NPK- S*M1 12.5.10-14 bón với liều lượng 9kg/sào BB, bón lần hai khi cây ngô xoáy nõn, bà con cũng dùng NPK- S*M1 12.5.10-14 với liều lượng 9kg/sào BB.
Đặc biệt, ông Thành cũng lưu ý với bà con nông dân khi sử dụng phân NPK- S*M1 theo quy trình khép kín thì không cần bón thêm các loại phân đơn khác ngoài phân chuồng. Ngoài ra, phân NPK- S*M1 do được sản xuất qua công nghệ vê viên tạo hạt, ông Thành khuyến cáo bà con không nên hòa vào nước tưới mà hãy bón trực tiếp xung quanh gốc, sau đó có thể kết hợp với xới hoặc vun để hiệu quả sử dụng phân bón cao hơn.
Chị Lại Thị Thọ (khu 5 xã Kinh Kệ) chia sẻ: “Trước kia chưa biết, chúng tôi thường cho phân NPK- S*M1 vào thùng hòa tan xong mới tưới, thấy mất thời gian. Sau khi được hướng dẫn đúng cách, chúng tôi chỉ việc bỏ vào gốc, thấy rất nhanh mà không mất thời giờ. Tôi thấy sử dụng phân mới có hiệu quả, ngô tốt hơn so với phân cũ”.
Theo anh Thành, nhóm sản phẩm NPK- S*M1 có nhiều ưu điểm hơn các loại phân thông thường. Đó là ngoài thành phần dinh dưỡng đạm, kali, riêng thành phần lân nó có 2 loại là lân tan ở trong nước và lân không tan trong nước. Thành phần lân tan trong nước có tác dụng cung cấp lân cho cây trồng ngay từ đầu, do vậy hạn chế được bệnh nghẹt rễ lúa, bệnh chân trì huyết dụ đối với ngô và nó cung cấp các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng nhờ lưu huỳnh, vi lượng như kẽm, đồng. Loại lân không tan trong nước có trong phân lân nung chảy, có tác dụng cung cấp lân cho giai đoạn sau, nó hạn chế rửa trôi phân bón đồng thời bổ sung thêm các nguyên tố trung lượng như magiê, silic giúp cho cây cứng, chống đổ tốt.
Khi đưa sản phẩm NPK- S*M1 ra thị trường đã được bà con nông dân tin tưởng sử dụng, nó phù hợp với các vùng đất chua phèn, chiêm trũng với các tỉnh như Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.