Việt Nam dễ mắc bẫy thu nhập trung bình
Ông Naoyuki Shinohara - Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, VN đang hội tụ nhiều bất lợi và dễ mắc vào bẫy thu nhập trung bình. Nhận định này cũng được những đồng nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) tán thành.
Người nghèo có thể đối phó tốt hơn với những hoàn cảnh khó khăn bất ngờ trong cuộc sống nhờ bảo hiểm vi mô. (Ảnh minh họa). |
Lý giải cho nhận định này, ông Shinohara cho rằng, tăng trưởng VN hiện đang dựa chủ yếu vào nguồn vốn FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, trong khi nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp nội địa tạo ra.
Tuy nhiên, đại diện IMF cũng nhấn mạnh, VN sẽ thoát khỏi bẫy này, nếu Chính phủ có những chính sách kịp thời và phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn yếu kém hiện nay…
Chỉ ra các “căn bệnh” trong việc hoạch định chính sách hiện nay của VN, các chuyên gia quốc tế cho rằng, VN đang gặp phải 3 vấn đề lớn gồm: Thiếu cấu trúc chính sách chặt chẽ, ví dụ như đặt ra quá nhiều ưu tiên, chưa có quy hoạch ngành; Phối hợp giữa các bộ kém như việc ngân sách, nhân lực, khung pháp lý… cần thiết cho việc thực hiện không được cung cấp đầy đủ; Thiếu sự tham gia của các bên liên quan, doanh nghiệp không hưởng ứng việc thực hiện.
Đưa ra lời khuyên giúp VN tránh bẫy thu nhập trung bình, ông Rajat Nag - Tổng Giám đốc Điều hành ADB cho rằng, VN cần triển khai ngay việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bằng những chương trình và giải pháp cụ thể. Trong đó, VN nên tập trung vào giải quyết các vấn đề bất bình đẳng trong xã hội để mọi người dân VN đều được thụ hưởng những thành quả của tăng trưởng kinh tế mang lại.
Ông Nag cũng cho rằng, các nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia, trong đó có VN, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành đất nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, trong đó cần tập trung chống lại nạn tham nhũng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ công trong xã hội...
Bảo hiểm vi mô cứu tương lai người nghèo
Phát biểu tại hội thảo có chủ đề "Bảo vệ các nước chưa phát triển- Con đường của khu vực tư nhân”, các diễn giả đã bày tỏ quan điểm cho rằng, bảo hiểm vi mô mang lại một cơ hội quý báu cho các công ty bảo hiểm tư nhân, nhằm hỗ trợ một bộ phận lớn khách hàng vốn chưa được phục vụ tốt mà vẫn tạo ra lợi nhuận.
Rất nhiều người thuộc nhóm nghèo khổ nhất thế giới vẫn còn phải vật lộn với nghèo đói do bệnh tật đến bất ngờ, hoặc mất người thân, mất mùa, hoặc thiên tai... đã gây ra sự mất mát không lường được về thu nhập hoặc phải chi trả một khoản nợ lớn.
Bảo hiểm vi mô - loại bảo hiểm chi phí thấp dành cho người có thu nhập thấp - có thể giúp người nghèo đối phó với những hoàn cảnh khó khăn như vậy, cho phép họ lên kế hoạch cho một tương lai tươi đẹp hơn.
Hiện bảo hiểm vi mô vẫn chưa thể sẵn sàng cho phần lớn trên tổng số gần 2 tỷ người đang sống dưới ngưỡng 2USD/ngày ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể tiếp cận. Một phần nguyên nhân là do ở một số nơi, các quy định pháp lý và giám sát không hỗ trợ các sản phẩm bảo hiểm hướng tới người nghèo.
Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda cho rằng: “Châu Á đang chuyển đổi từ giai đoạn phục hồi tăng trưởng sang tăng trưởng bền vững, vì vậy, khu vực này cần phải đảm bảo rằng sự tăng trưởng ngày càng đi vào chiều sâu và tạo ra lợi ích cho nhiều người dân của mình”. Ông Haruhiko Kuroda kết luận, để có một mô hình tăng trưởng có hiệu quả đối với một khu vực thu nhập thấp, nguồn vốn phải dồi dào.
Thúy Đăng