Hành trình tìm nhân tài
Dịch một tác phẩm lớn, được coi là một cuốn “Kinh Dịch” của Việt Nam ra một ngôn ngữ châu Âu là một việc khó khăn, bởi vì sự cách biệt về thời gian, không gian, ngôn ngữ thiếu sự tương đồng và đặc biệt là quá nhiều điển cố trong một khoảng thời gian ngắn... là một thử thách rất lớn đối với các dịch giả.
Theo tiến trình, ngay từ đầu, Truyện Kiều sẽ được chuyển nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Nga, theo từng câu, hoặc từng khổ, tùy theo nội dung với sự yêu cầu chính xác một cách cao nhất. Sau đó, các nhà Đông Phương học tại Nga sẽ cùng những chuyên gia tiếng Nga đính chính, góp ý, gửi trở lại cho dịch giả để thống nhất từng câu chữ.
Về cơ bản, ngay từ đầu, phương pháp này đã tìm ra được tiếng nói chung, giữa người dịch và người hiệu đính luôn đi đến một sự thống nhất trên cơ sở bám sát văn bản. Song điều khó khăn nhất là khi hoàn chỉnh bản “mộc”, phải có một người dịch ra thơ. Một tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” như Truyện Kiều không thể chấp nhận một kiểu dịch giải mã, truyền đạt được nội dung một cách trung thành, mà phải chuyển thành thơ ngang tầm với giá trị nghệ thuật của nó để độc giả Nga thừa nhận Truyện Kiều như là một “Evghenhi Onheghin” (Tiểu thuyết bằng thơ của Puskin, được gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Nga thế kỷ XIX) của Việt Nam.
Đặt ra một yêu cầu cao như vậy, suốt hơn nửa năm, nhóm biên soạn không tìm được một người nào phù hợp. Đã có những nhà thơ thuộc vào hàng trưởng lão ở Mátxcơva nhận lời, nhưng sau đó lại từ chối vì lý do sức khỏe; có nhà thơ dịch thử được chục dòng rồi xin phép cáo lui... Để dịch một tập thơ mà phải bỏ ra hàng năm đằng đẵng, tước đi của họ những ngày nghỉ hiếm hoi và những kỳ nghỉ quý giá, là một đòi hỏi quá sức đối với những nhà thơ đã có bậc, có hạng ở Nga. Ấy là chưa kể công phu vật lộn với những thuật ngữ, con chữ phương Đông phức tạp, trích cú, tầm chương làm mất đi thi hứng của họ.
Đã có lúc, người tổ chức dịch Truyện Kiều đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bởi vì thời gian không còn bao nhiêu nữa. Theo kế hoạch ban đầu được đặt ra một cách cơ học là dịch nghĩa – hiệu đính – thống nhất chỉnh lý – chuyển thành thơ, thì khâu cuối cùng tồn đọng lại là khâu quan trọng nhất.
Thần may mắn gõ cửa
Trong lúc bế tắc, thì thần may mắn tra chìa khóa vào ổ và cánh của hy vọng được mở toang. Dịch giả Xocolov đã thỉnh mời được nhà thơ Vaxili Popov - một nhà thơ trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết sẵn sàng kề vai, sát cánh với các dịch giả gánh vác sứ mệnh văn hóa thiêng liêng này.
Thực lòng chúng tôi hết sức băn khoăn vì nhà thơ Popov còn quá trẻ, lại hiện đại quá, nên không dám đặt lòng tin hoàn toàn vào bản trích ngang giới thiệu: Sinh năm 1983 tại thành phố Irkut, hội viên Hội Nhà văn, Thư ký Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga, là tác giả của 5 tập thơ, nhận được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải “Tài năng trẻ Mátxcơva”…
Theo yêu cầu của nhà thơ Vaxili Poppov, chúng tôi viết ngay một cách chi tiết tóm tắt Truyện Kiều để anh nắm được nội dung và mạch diễn biến của cốt truyện. Sau đó, gửi trước cho anh 50 câu để anh dịch thử. Suốt gần một tháng ngóng đợi, chúng tôi hẹn gặp anh ở nhà hàng Nems ở cuối thành phố Mátxcơva để nhận sản phẩm và thẩm định. Cho đến khi đọc kỹ toàn bộ phần dịch của nhà thơ trẻ Vaxili Popov, chúng tôi mới dám tin rằng, khâu quan trọng nhất đã tìm được chủ nhân của nó.
Vaxili Popov đã dịch một cách uyển chuyển, theo thể thơ truyền thống nghiêm ngặt của Nga, tôn trọng vần điệu, không để rơi vào trạng thái thơ tự do. Đặc biệt, so với bản mộc, anh trung thành tuyệt đối, không phóng tác tùy tiện.
Mặc dù anh bắt tay vào dịch Truyện Kiều trong thời điểm vợ anh mới sinh con gái, việc nhà, việc cơ quan căng thẳng, nhưng anh hứa sẽ dành toàn bộ tâm huyết và sức lực để hoàn tất tác phẩm Truyện Kiều, bởi lẽ, “càng đọc, tôi càng thấm thía, và càng dịch, tôi càng kính trọng Nguyễn Du và càng yêu quý Việt Nam”.
Hãy còn sớm để nói về thành công của tác phẩm Truyện Kiều dịch ra tiếng Nga, nhưng cứ trong “hiện tại mà suy” thì dám tin rằng, ngày Đại lễ kỷ niệm 250 năm sẽ có một quyển Truyện Kiều bằng tiếng Nga thay một nén hương đặt dưới chân tượng đài của Nhà thơ dân tộc Nguyễn Du.