Tùy theo điều kiện đất đai (hàm lượng mùn, dinh dưỡng khoáng, mức năng suất thu hoạch) áp dụng bón phân N:P:K theo tỷ lệ 3:1:1, với lượng 30kg N/tấn sản phẩm chè búp tươi. Lượng phân cụ thể như sau:
Phân đạm bón theo tán chè lúc ẩm độ đất 70 - 80%, vùi sâu 6 - 8cm, bón 5 - 6 lần/năm, từ tháng 4 - 11; phân urê có thể thay bằng phân đạm SA. Kali bón cùng phân đạm. Phân lân bón vào đầu vụ (tháng 4 - 5) 1 lần cùng với các phân khác.
Nên bón thêm phân hữu cơ bởi phân hữu cơ không những cung cấp dinh dưỡng cho cây mà còn cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học trong đất. Nguồn phân hữu cơ bao gồm phân chuồng, phân xanh và các nguyên liệu ép xanh. Sử dụng phân hữu cơ sinh học có thành phần chính: Chất hữu cơ >25%; N 2,5-3%; P205 0,3%; K20 1-1,3%; lượng bón 2,5 tấn/ha/năm. Có thể sử dụng phân chuồng ủ hoai 20 - 25 tấn/ha, bón 3 năm/lần. Phân hữu cơ bón vào đầu mùa mưa, rạch hàng, bón lấp.
Bên cạnh đó, vùng trồng chè thường trên đồi dốc, có lượng mưa lớn và tập trung nên các yếu tố vi lượng bị rửa trôi làm cho đất bị thiếu hụt vi lượng, nhất là magiê, kẽm, cần được bổ sung. Việc cung cấp chất vi lượng có thể thông qua bón phân hữu cơ, một phần trong phân hóa học nhưng với hàm lượng rất thấp. Dạng vi lượng thường dùng cho chè là sunfat magiê (MgSO4) và sunfat kẽm (ZnSO4). Bón gốc phối trộn tỷ lệ 50kg MgSO4 và 3,5kg ZnSO4. Các thực nghiệm bón phân cho cây chè đều khẳng định: Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng (N.P.K) và các chất trung lượng canxi, magiê, các chất vi lượng như kẽm, bo, môlípđen thì chè tốt, bền, cây khoẻ, ít sâu bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt.
Khi đã bón cân đối các loại phân cho cây chè (phân gốc) để ổn định năng suất và nâng cao chất lượng chè thành phẩm, nên dùng các loại chế phẩm dinh dưỡng bón qua lá. Liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì. Phun ngay sau lứa hái (2 - 3 lứa hái/lần), phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát.