Dân Việt

Nghịch lý ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI: “Lấy của người nghèo chia cho nhà giàu”

Mai Hương (thực hiện) 31/10/2014 06:32 GMT+7
“Nguyên lý của việc thu thuế là phải thu ở nơi dễ sinh lời để bù đắp cho những vùng nghèo, yếu thế, thiệt thòi như nông thôn. Song với các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI của Việt Nam hiện nay lại đang là lấy của nhà nghèo chia cho người giàu”. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN về nghịch lý ưu đãi thuế cho DN FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Thưa bà, từ góc nhìn một chuyên gia kinh tế, bà nhìn nhận về các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho khu vực FDI hiện nay như thế nào?

- Chúng ta vẫn đang tồn tại một tư duy là Việt Nam cần thu hút vốn FDI để phát triển nền kinh tế, do vậy cần phải có những ưu đãi để thu hút đầu tư, nếu không nhà đầu tư sẽ sang nước khác. Do vậy, nhiều ưu đãi với khối FDI vẫn được giữ nguyên và ngày càng chênh lệch so với ưu đãi với khu vực DN tư nhân trong nước.

img DN FDI hiện đang nhận nhiều ưu đãi từ Chính phủ.  Ảnh công nhân Công ty TNHH  EXEDY Việt Nam (FDI Nhật Bản) trong dây chuyền sản xuất ly hợp xe máy.

Luật DN và đầu tư, và nhiều luật khác của Việt Nam đều có quy định DN phải được bình đẳng trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Vậy ưu đãi DN FDI như bà phân tích, liệu có phù hợp với luật?

- Đúng là luật có quy định về bình đẳng, song thực tế hiện nay tại Việt Nam điều này lại không được thực hiện. Về bình đẳng trong các ưu đãi thuế, phí, đất đai, tài nguyên… là không có với khu vực DN tư nhân trong nước. DN FDI và DN nhà nước (DNNN) thường được hưởng lợi ích ưu đãi nhiều hơn và khu vực tư nhân thì không còn gì. Đất nước ta còn nghèo, còn khó khăn nên Nhà nước không thể hỗ trợ hết tất cả các DN. Do vậy, nếu chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã dành hết cho DN FDI và DNNN thì DN thuộc các thành phần kinh tế khác sẽ không được gì đáng kể nữa.

Số lượng các DN trong nước phá sản, ngừng hoạt động ngày càng nhiều trong những năm gần đây có liên quan gì đến “bất cập” này, thưa bà?

- Chỉ có DN trong nước thuộc khu vực tư nhân là “chết” chứ thời gian qua chúng ta không thấy có nhiều DNNN hay DN FDI đóng cửa. Khối DN này dù kinh tế khó khăn, khủng hoảng song vẫn không hề hấn gì, thậm chí một số DN còn thu lãi lớn và gửi lợi nhuận lớn ra nước ngoài. Các vướng mắc về lợi ích, thể chế, chính sách chỉ các DN trong nước hay gặp phải, còn các DN FDI nếu có bất cứ vướng mắc gì là được các cơ quan nhà nước xem xét giải quyết, đáp ứng ngay.

Ví dụ điển hình là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau những thiệt hại do bị gây rối lại được đền bù lớn hơn. Họ được ưu đãi hết cái này lại đòi thêm cái kia và gần như đều được đáp ứng. Tại sao lại như vậy?!

Vậy theo bà, nên sửa những bất cập này thế nào?

Quan điểm
img
Bà Phạm Chi LanChuyên gia kinh tế
 Chúng ta muốn phát triển nông thôn, nông nghiệp thì càng phải dựa vào nội lực, vào các DN trong nước bởi các DN FDI chỉ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhuận lớn, thu lãi nhanh chứ không ai đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp cả...
 

- Việt Nam đã có cam kết quốc tế về sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh rồi. Tôi cho rằng, chúng ta ưu đãi cho DN FDI như thế nào thì cũng phải ưu đãi cho DN trong nước như thế ấy. Các DN FDI thì lớn lên trong khi DN Việt Nam thì ngày một teo đi không phải hoàn toàn do họ giỏi còn chúng ta kém, mà chính sách đang tạo lợi thế lớn cho DN FDI. Không nhẽ chúng ta cứ để cho một mình DN FDI hoạt động kinh doanh và hưởng lợi ngay tại nước mình cả, còn DN trong nước thì cứ tự bơi?

Trong bối cảnh hội nhập, vốn FDI sẽ vào nhiều hơn bởi chính lợi ích của họ. Nếu họ cứ được ưu đãi nhiều hơn thì làm sao các DN trong nước có thể phát triển được. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần xem lại tư duy ưu đãi, có cần phải quá mức Trong tất cả các đàm phán hội nhập, các nước đều cố dành ưu tiên, ưu đãi cho DN trong nước của mình hơn, còn chúng ta thì ngược lại, ưu đãi cho DN ngoại nhiều hơn. DN trong nước ngày càng bị “bóp” lại, tạo ra sự bất bình đẳng ngược.

Bà có cho rằng, chỉ cần điều chỉnh chính sách ưu đãi về thuế đối với DN FDI thôi cũng tạo ra nguồn thu lớn để đầu tư trở lại cho các khu vực yếu thế như nông nghiệp, nông thôn?

- Đúng là như vậy. Nguyên lý của việc thu thuế lẽ ra là phải thu từ những nơi thuận lợi, dễ dàng sinh lời để bù đắp trở lại cho các vùng yếu thế, thiệt thòi như khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều tổ chức nước ngoài tại Việt Nam đã đúc kết rằng, với chính sách ưu đãi thuế bất bình đẳng như hiện nay, Việt Nam đang lấy của người nghèo (tiền thuế của người nghèo) chia cho nhà giàu (ưu đãi cho DN FDI, DNNN).

Hiện nay, chúng ta đang rất cần khuyến khích các DN đầu tư về nông thôn, đầu tư cho chế biến nông sản nhưng thử hỏi có bao nhiều DN làm chế biến, bởi chính sách ưu đãi kém, không đến được với DN. Với các ưu đãi cho DN FDI như hiện nay thì DN trong nước chỉ có nước thua, không cạnh tranh lại. Chẳng có DN nào muốn đầu tư về nông thôn với kiểu cơ chế chính sách như thế này, dù chúng ta có hô hào đến mấy. Cứ hình dung, một DN đầu tư vào nông thôn mà bao thứ đổ lên đầu thì DN nào chịu được, nào là khó vay vốn, khó tập hợp đất đai, nông dân để cùng liên kết hợp tác làm ăn, thuế phí thì là gánh nặng lớn.

Xin cảm ơn bà!