Ông Nguyễn Văn Hậu (Nguyên A trưởng A1, B1,C272 Cục cảnh vệ) kể: "Đơn vị tôi dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tạ Quang Chiến có may mắn được xây nhà sàn cho Bác Hồ ở Thái Nguyên trước khi Người về Hà Nội tiếp quản. Bác đã ở đây 80 ngày để tiếp các đại sứ, họp chính phủ…
Tới ngày 10.10.1954 đơn vị tôi tháp tùng Bác về Hà Nội, ở tại nhà thương Đồn Thủy (bệnh viên 108 bây giờ) và cho đến 15.12.1954 Người mới chuyển về Phủ Chủ tịch. Về tới Hà Nội, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ cấp tốc xây dựng lễ đài tại quảng trường Ba Đình để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh 1.1.1955 của quân và dân Thủ đô đón Bác cùng Trung ương Đảng. Thời gian chuẩn bị là 80 ngày. Rất gấp rút.
Ông Nguyễn Văn Ninh, kiến trúc sư được giao nhiệm vụ thiết kế công trình bao gồm: Cải tạo vườn hoa Ba Đình thành Quảng Trường, một lễ đài phía trước có cột cờ và Đài tưởng niệm liệt sĩ. Ông tốt nghiệp kiến trúc sư từ những khóa đầu cùng các ông: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Cao Luyện… tại Trường Mỹ thuật Yêu Kiêu. Năm 1957, ông Ninh được giao thiết kế nhà sàn của Bác trong vườn Phủ Chủ tịch.
Lực lượng lao động tham gia thi công công trình ngoài chúng tôi còn có: tiểu đoàn công binh, một số đại đội TNXP thuộc Đội 36, một số công nhân từ Việt Bắc về, đơn vị làm đường của Ty Công chính Hà Nội.
Ban xây dựng lễ đài Ba Đình do ông Nguyễn Văn Ninh làm trưởng ban. Ban trù bị ngày lễ do ông Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đảng ủy Ủy ban quân quản Hà Nội làm Trưởng ban.
Công trình được khởi công ngày 15.10.1954 và hoàn thành vào đêm 31.12.1954.
Lễ đài được xây dựng khung sườn bằng gỗ thanh lắp ghép bu – long. Tầng dưới lễ đài có ba cổng vòm. Bên phải và bên trái của lễ đài là hai cánh gà được ghép bằng gỗ. Một bức tường cao dựng sau cánh gà được ghép từ nhiều mảnh pa-nô. Lễ đài được sơn nhiều mảng màu sắc hài hòa.
Vườn hoa Ba Đình được cải tạo và mở rộng thành Quảng trường với nền vững chắc gồm 3 lớp đá hộc, đá củ đậu và đá dăm, được xe lu lăn phẳng và trải nhựa đường.
Từ sáng sớm ngày 1.1.1955, hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các tỉnh lân cận đã tập trung về Quảng trường Ba Đình. Buổi lễ được khai mạc từ rất sớm để tránh nắng. Khi Ban tổ chức mời Hồ Chủ tịch, bác Tôn cùng các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ bước ra lễ đài, cả Quảng trường là một rừng cờ, hoa xao động.
Sau lễ chào cờ, Hồ Chủ tịch đọc diễn văn thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào Thủ đô và bộ đội ta. Thay mặt Đảng, Chính phủ, Bác thân ái thăm hỏi anh em thương, bệnh binh, gia đình các liệt sĩ và chúc toàn thể đồng bào, kiều bào, toàn thể bộ đội, cán bộ và nhân viên các chiến sĩ thi đua, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng, năm mới mạnh khỏe, vui vẻ, cố gắng và tiến bộ; chúc lãnh tụ và nhân dân các nước bạn năm mới thắng lợi mới.
Người đã nêu ra những công việc chúng ta phải làm từ nay, nhằm mục đích củng cổ hòa bình, thực hiện thống nhất hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, đó là:
Kiên quyết thi hành đúng đắn hiệp đình chiến; ra sức khôi phục kinh tế, ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình; tiếp tục thực hiện người cầy có ruộng.
Bác nhấn mạnh: Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không chia cắt được; phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa miền Nam và miền Bắc… tiến tới thực hiện tổng tuyển cử tự do và thống nhất toàn quốc.
Bác kêu gọi: Đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn; cố gắng gập lại mối quan hệ kinh tế và văn hóa các nước Pháp trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi: đoàn kết với nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.
Mọi người dự mít tinh cùng hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ muôn năm” và “Hòa bình thế giới muôn năm”.
Tiếp theo chương trình là lễ duyệt binh và diễu hành, đây là cuộc duyệt binh lớn đầu tiên kể từ sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945.
Từ đó, cuộc cách mạng của dân tộc ta đã chuyển sang thời kỳ mới, đấu tranh thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập dân chủ; miền Bắc giải phóng bắt đầu kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, trong khi miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ.