Dân Việt

Cơ quan quản lý cũng nhầm lẫn về Lừa đảo trong bán hàng đa cấp

Mai Nguyễn (thực hiện) 03/11/2014 06:29 GMT+7
“Đã có không ít các vụ lừa đảo đầu tư, huy động tài chính, nói vống giá hàng hóa quá cao so với giá trị thực, đưa thông tin sai lệch về công dụng của hàng hóa… xảy ra. Trong những vụ việc này, dư luận và ngay cả một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có sự nhầm lẫn…”.

Ông Phan Đức Quế - Trưởng phòng Cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) đã trả lời phỏng vấn PV NTNN xung quanh hiện tượng bất minh khi bán hàng đa cấp (BHĐC), sau khi NTNN có loạt bài “Sập bẫy vì làm giàu siêu tốc” phản ánh tình trạng này.

img Minh họa

 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bán hàng đa cấp hiện nay?

- Hoạt động BHĐC trên thực tế vẫn còn có những tồn tại, bất cập nhất định, bên cạnh những doanh nghiệp BHĐC hoạt động tuân thủ pháp luật, còn tồn tại những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật từ đó tạo nên những hình ảnh xấu cho mô hình kinh doanh này và gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia và người tiêu dùng.

Ngoài ra, bên cạnh mô hình BHĐC được pháp luật thừa nhận trên thực tế vẫn tồn tại mô hình huy động tài chính hình tháp (pyramid scheme).

Một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, núp bóng kinh đoanh đa cấp để thực hiện các hoạt động lừa đảo. Những vụ việc vi phạm này đã gây ra sự bức xúc cho cộng đồng xã hội, tạo ra sự nhìn nhận thiếu thiện cảm của cộng đồng xã hội đối với ngành BHĐC. Trong những vụ việc này, dư luận và ngay cả một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có sự nhầm lẫn coi hành vi lừa đảo nói trên là một dạng thức BHĐC bất chính.

Thời gian vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh và các Sở Công Thương đã tích cực triển khai công tác điều tra và xử lý các hành vi BHĐC bất chính cũng như các hoạt động BHĐC chưa tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC. Tuy nhiên, hoạt động BHĐC trên thực tế vẫn còn có nhiều tồn tại, bất cập.

Ông đánh giá như thế nào về các công cụ pháp lý này trong việc hạn chế các hành vi vi phạm trong BHĐC?

- Trước tiên, quy định về nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động BHĐC tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP sẽ giúp cơ quan quản lý thanh lọc được các doanh nghiệp yếu kém, không có dự định kinh doanh lâu dài, từ đó hạn chế được hành vi vi phạm của những doanh nghiệp này.

Thứ hai, phạm vi hành vi bị cấm trong hoạt động BHĐC được mở rộng giúp giảm thiểu đáng kể hành vi vi phạm mà trước đây pháp luật không điều chỉnh được.

Thứ ba, chế tài xử lý được nâng cao tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP, đặc biệt là chế tài thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC có phạm vi áp dụng rộng hơn, giúp ngăn ngừa hiệu quả hành vi vi phạm của doanh nghiệp, tránh tình trạng bất chấp quy định để trục lợi.

Ngoài ra, nghị định mới cũng quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp BHĐC đối với hoạt động của người tham gia của doanh nghiệp mình.

Với người tiêu dùng, các công cụ pháp lý hiện nay đã đủ để bảo vệ họ trong việc tránh các chiêu lừa trong hoạt động BHĐC, thưa ông?

- Trên cơ sở các văn bản pháp luật đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, cùng thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tôi cho rằng, người tiêu dùng, người tham gia và người có ý định tham gia BHĐC phải có trách nhiệm tìm hiểu quy định pháp luật, đối chiếu thông tin, tìm hiểu kỹ để xác định doanh nghiệp BHĐC đã được cấp phép hay chưa, phân biệt doanh nghiệp BHĐC chân chính và doanh nghiệp BHĐC bất chính… để tự bảo vệ quyền lợi của mình, tránh bị lừa gạt do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin.

Vậy giải pháp nào để loại bỏ hẳn những “con sâu”, giúp hình thức BHĐC phát triển lành mạnh đúng với bản chất của nó?

- Tôi cho rằng về phía cơ quan quản lý, cần ban hành các văn bản điều chỉnh một cách đúng đắn, kịp thời và tổ chức thực thi một cách tích cực, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp BHĐC, cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người tham gia để đảm bảo không xảy ra hành vi vi phạm pháp luật.

Về phía người tham gia BHĐC, cần nắm vững quy định pháp luật, kiểm tra tính hợp pháp trong hoạt động của doanh nghiệp và tự điều chỉnh tính hợp pháp trong hoạt động của bản thân mình.

Về phía người tiêu dùng và người có dự định tham gia BHĐC, cần phải tìm hiểu kỹ những quy định pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời nâng cao cảnh giác trước các doanh nghiệp đưa ra những tư vấn quá mức về lợi ích có thể thu được từ hoạt động BHĐC hay chất lượng, công dụng vượt trội của hàng hóa được bán theo phương thức đa cấp.

Xin cảm ơn ông!

  Vào Việt Nam năm cuối của thế kỷ trước, BHĐC đã có bước phát triển đáng kể thể hiện ở việc thu hút hơn một triệu người tham gia, đóng góp gần 600 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước.