Dự án do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đầu tư với kinh phí hơn 200 triệu đồng, song 4 năm qua tổ dệt thổ cẩm không hoạt động...
Để góp phần khôi phục và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS ở địa phương, tháng 8.2010 Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Kon Tum thành lập Tổ dệt thổ cẩm truyền thống xã Đăk Nông, với sự hỗ trợ ban đầu là 21 chiếc máy may, 4 chiếc máy vắt sổ, 4 bàn ủi bằng hơi nước và một số nguyên vật liệu…tổng kinh phí đầu tư hơn 200 triệu đồng. Đây là mô hình hết sức ý nghĩa nhằm giúp chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có việc làm ổn định, nâng cao tay nghề, phát triển kinh tế.
Bà Y Phương - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Nông cho biết: “Sau khi thành lập, để tổ dệt thổ cẩm đi vào hoạt động Hội LHPN chúng tôi đã tổ chức cho số chị em tham gia dự án đi học nghề tại Trung tâm Dạy nghề Kon Đào với thời gian học 3 – 6 tháng. Sau đó chị em tiếp tục được học tập bồi dưỡng cắt may, dệt thổ cẩm, vắt sổ và được tư vấn thiết kế sản phẩm, hỗ trợ kết nối thị trường”. Đặc biệt, Nghệ nhân Y Hiền- nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Nông đã đến từng hộ để hướng dẫn cách dệt, cắt may...
Tuy nhiên, đến nay sau gần 4 năm thành lập, tổ dệt gần như không hoạt động. "Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc đầu tư bài bản mà tổ dệt không hoạt động: Một là, các học viên được tổ dệt cử đi học cắt may chủ yếu là người đồng bào DTTS, họ lâu nay chỉ quen với việc dệt thủ công chứ chưa thành thạo sử dụng máy may công nghiệp nên khi học còn lúng túng, mà thời gian học quá ngắn cho một người học nghề. Hai là, mặc dù dự án đã tính đến việc đầu ra cho sản phẩm thế nhưng thực tế khi sản phẩm làm ra rồi mà vẫn không tiêu thụ được"- bà Y Hiền cho biết.
Vừa chỉ tay vào những chiếc máy may nằm im lìm phủ một lớp bụi dày trong góc nhà chị Y Dét, thành viên tổ dệt thổ cẩm vừa nói với chúng tôi: “Đã gần 4 năm qua, kể từ ngày thành lập, toàn bộ máy móc được cấp hầu như mới được sử dụng vài ba lần. Hoạt động của tổ dệt chỉ là tập hợp tổ viên để đào tạo kỹ thuật dệt và cắt may thành phẩm và sau đó thì bị bỏ không.
"Hiện nay gia đình tôi nhận cất giữ một máy may, tất cả các bộ phận đều mới tinh, thậm chí một vài công cụ phụ của máy còn chưa được khui hộp. Các thành viên trong tổ dệt chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên để có hướng giải quyết phù hợp nhất, bởi nếu đem quy đổi thành tiền để hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển ngành nghề khác sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế hơn là bỏ không máy may vì không thể làm nghề"- chị Dét chia sẻ.