Dân Việt

Chia sẻ khó khăn với làng mộc

Thu Hà 04/11/2014 07:18 GMT+7
Được Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND)  Trung ương Hội NDVN hỗ trợ 500 triệu đồng, 25 hộ ND thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định tham gia Dự án: “Phát triển đồ mộc dân dụng” không chỉ có vốn mở rộng quy mô sản xuất mà còn tiến tới liên kết người làm mộc.

Thị trấn Cổ Lễ có 3.400 hộ dân thì có tới hơn 800 hộ làm nghề mộc dân dụng, tập trung chủ yếu ở tổ dân phố Tây Kênh và Đông Bắc Đồng.

Chia sẻ khó khăn với nông dân

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Lương Quang Quyết (tổ dân phố Đông Bắc Đồng)- một trong những chủ cơ sở mộc dân dụng lớn nhất nhì thị trấn Cổ Lễ khi gia đình anh đang gấp rút hoàn thiện lô sản phẩm để kịp giao hàng cho khách.

Anh Quyết cho biết: “Gia đình tôi mở xưởng mộc đã 10 năm nay. Mỗi năm xưởng mộc đem về cho gia đình tôi doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Có tới hơn 40 bạn hàng trên toàn quốc nên tôi không lo về khâu tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, đầu tư thêm các thiết bị nghề mộc, mua nguyên liệu gỗ cộng thêm chi phí thuê nhân công tôi cần rất nhiều vốn. Tháng 3.2014 tôi được Quỹ HTND cho vay 20 triệu đồng”.


Anh Lương Quang Quyết
  Cơ sở của tôi đang tập trung làm bàn, ghế, giường, tủ, sập. Công việc khá nhiều. Có máy nên công việc nhanh hơn 4-5 người làm thủ công. Quỹ HTND đã chia sẻ một phần khó khăn với cơ sở của tôi 
Được tiếp vốn, anh Quyết mua thêm nguyên liệu gỗ để làm hàng và có điều kiện sắm thêm 1 cái máy bơm áp lực để phun P.U làm bóng sản phẩm. “Cơ sở của tôi đang tập trung làm bàn, ghế, giường, tủ, sập. Công việc khá nhiều. Có máy nên công việc nhanh hơn 4-5 người làm thủ công. Quỹ HTND đã chia sẻ một phần khó khăn với cơ sở của tôi”- anh Quyết bộc bạch.

 

Anh Lương Đức Duy (34 tuổi, tổ dân phố Đông Bắc Đồng) mở xưởng mộc đã 3 năm nay nhưng dụng cụ, thiết bị làm mộc còn thô sơ, công việc phần nào cũng bị hạn chế. Muốn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất đồ mộc nội thất cao cấp nhưng ngặt nỗi anh Duy chẳng có vốn. Đã chạy vạy nhiều nơi nhưng anh Duy đều không vay được. “Được Quỹ HTND cho vay 20 triệu đồng, số tiền không nhiều nhưng thật sự đáng quý với tôi. Có vốn trong tay, tôi sắm ngay cái máy cưa xẻ gỗ và mua thêm nguyên liệu gỗ để làm hàng. Từ ngày có máy công việc của tôi cũng đều hơn”- anh Duy tâm sự.

Tiếp sức cho làng nghề

Ông Vũ Mạnh Khỏa – Chủ tịch Hội ND thị trấn Cổ Lễ cho biết: Đầu năm 2014, làng nghề mộc dân dụng thị trấn Cổ Lễ được UBND tỉnh Nam Định công nhận là làng nghề truyền thống cấp tỉnh. Nhờ nghề mộc, người dân làng nghề có cuộc sống sung túc. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc với những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát.

Mặc dù hiệu quả của nghề mộc dân dụng ở thị trấn Cổ Lễ thấy rõ, nhưng đa số người làm nghề ở đây thường xuyên rơi vào tình trạng “khan” vốn. Ông Khỏa chia sẻ: “Anh em ngồi với nhau thường tâm sự, vốn cho mua ván, gỗ nguyên liệu, vốn để nâng cấp nhà xưởng, máy móc, thiết bị… là rất lớn nhưng khó tiếp cận ngân hàng để vay nên hoạt động cũng cầm chừng”.

 

img

Anh Quyết cùng các công nhân hoàn thiện sản phẩm.

Ông Khỏa cho hay: Ngay sau khi nhận được vốn ủy thác của Quỹ HTND T.Ư Hội, Hội ND thị trấn đã tiến hành bình xét công khai các hộ đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, Hội thành lập Ban Điều hành Quỹ HTND. Ban Điều hành  thu phí (0,7%/tháng) và kiểm tra hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích.

 

Ông Phạm Quốc Huy-Chủ tịch Hội ND huyện Trực Ninh cho biết thêm: Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn huyện đạt gần 1,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn T.Ư Hội ủy thác là 900 triệu đồng, nguồn vốn của tỉnh 400 triệu đồng, còn lại là nguồn của huyện và xã. Ngoài 500 triệu đồng đầu tư cho dự án phát triển nghề mộc dân dụng ở thị trấn Cổ Lễ, 400 triệu đồng đầu tư cho dự án phát triển nghề dệt truyền thống tại xã Phương Định, số tiền còn lại Quỹ HTND cho các hộ nông dân trong huyện vay để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi.