Cây táo linh đến nỗi, người ta xây miếu, lập bàn thờ, bát nhang hương khói, mang nước ngọt, trái cây, bày mâm hoa ngủ quả, kẹo bánh và hàng năm lấy ngày kỵ thần hẳn hoi.
Cây táo cổ thụ, hơn 100 năm tuổi này nằm trong khuôn viên chùa Hội Phước và 2 năm trở lại đây, người ta cúi đầu hương khói, nghiêng nón, chào ngài.
Cả làng thờ cây táo
Thật ra không phải bây giờ mới có dư luận về sự linh thiêng của cây táo. Đã hơn 100 năm qua, cây táo cổ thụ đã được người dân nơi đây ghi nhận về sự linh thiêng và những câu chuyện kỳ bí về cây táo đã được đồn thổi khắp làng.
Ngoài vẻ ngoài sum xuê, tán lá che rợp góc miếu, cây táo cổ thụ nhiều năm tuổi luôn ám ảnh người dân địa phương. Nỗi sợ xen lẫn kỳ quái khiến không một ai đủ can đảm bước ngang qua khu vực của cây vào đêm tối, ban ngày đi qua phải bỏ nón cúi chào, những ai cố ý chặt cành, phạm cây đều bất ngờ gặp tai họa… Nhiều người gọi cây táo này là cây táo ma.
Cây táo có gốc khá lớn chia nhiều gốc phụ bao quanh gốc chính tạo thành một khối khổng lồ, đá được bao bọc xung quanh, người ôm không xuể. Những gốc táo vươn lên trời xanh, chia thành nhiều nhánh đan xen nhau, cành lá um tùm, che mát cả một khoảng đất rộng.
Nhiều bậc lão niên sống gần cây táo ước chừng cây này có tuổi thọ hơn 100 năm. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây còn cho rằng cây đã sống gần mấy trăm năm. Từ hồi nhỏ xíu, họ đã nghe ông bà, cha mẹ kể về nó với những câu chuyện đầy bí ẩn. Người nắm giữ nhiều bí mật cũng như những câu chuyện kỳ bí về cây đã qua đời gần hết.
Đại đức Thích Hoàn Tịnh, trụ trì chùa Hội Phước, làng Văn Xá, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà dẫn chúng tôi ra khuôn viên chùa, nơi có thờ cây táo nói: “Cây táo này linh lắm, linh đến nổi ngày xưa người dân trong làng khi đi ngang chùa không dám nhìn vào, ai nhạo mạng, coi thường thì bị thần linh quở phạt, bắt đau ốm triền miên”.
Ngày xưa, nơi cây táo đang sống là một cái đồn của địch (khoảng vào năm 1945-1946 giặc Pháp cho quân lính đóng tại nơi đây). Ông Đỗ Vĩnh, 79 tuổi, người làng Văn Xá cho biết:
“Hồi đó tôi còn đi học thì được biết nơi đây có nguyên cả một hầm xương người bị chôn tập thể, dưới hầm rất nhiều xương. Thời đó những người lính chết ở đây nhiều lắm, có người bị treo cổ tại đây.
Lúc đó tôi đang đi chăn trâu, khi đi ngang qua đây nghe đạn nổ bay như mưa, trâu bò chạy tán loạn, lúc đó 5 con trâu của tôi chạy đâu mất, tưởng chừng trâu đã chết cháy theo súng đạn, nhưng sau đó không chết con mô.
Sau giải phóng thì tôi thấy người dân ở quê ở thôn Vân Cù(xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) có thân nhân chết, họ tìm đến đây để thắp hương, van xin, kêu hồn nhập xác để đưa hài cốt về an táng”.
Theo những bô lão trong làng, kể thì từ khi có chùa thì đã có cây táo cổ này. Táo cho trái rất to, xum xê, ăn rất giòn và ngọt lim hơn bất kỳ táo được trồng nơi khác. Cũng chính vì thế đã có nhiều đứa trẻ chăn trâu, khi thấy táo ngon trèo lên hái thì tối về đau đớn, vật vã.
Kể lại câu chuyện buồn gần mấy chục năm về trước, ông lão Trần Hưng Khôi, 83 tuổi, người làng Văn Xá không khỏi lo lắng, sợ hãi: “Ở cái làng này, xưa nay người ta đã biết được sự tích về cây táo rất linh ứng, và cho đến bây giờ không ai dám trèo lên hái táo, dù chỉ hái hoặc bẽ một nhành cây.
Ngày trước, đứa cháu ruột của tôi là Trần Hưng Dần, hắn đi bắn chim, khi đi ngang qua cây táo, thấy chim đang đậu trên cành thì dương cung lên bắn, không ngờ mũi tên quay ngược lại bắn vào mắt. Tối về nhà 2 mắt cháu nổi 2 cục máu đỏ hoe.
Biết được sự việc cháu mình xúc phạm thần linh, bị ngài quở phạt, thế là tối xuống tìm cây táo, thắp hương vái lạy, đảo 3 đêm liên tiếp, cuối cùng ngài cũng tha thứ, đôi mắt trở nên sáng lại. Cả gia đình mừng rỡ, mua bông chuối, hoa quả, trầu, rượu... đến cúng tạ thần linh. Từ đó trở đi, cả nhà không ai dám xúc phạm đến cây táo nữa”.
Cây táo và miếu thiêng. Cây táo cổ thụ đã được người dân nơi đây ghi nhận về sự linh thiêng và những câu chuyện kỳ bí về cây táo đã được đồn thổi khắp nơi.
Theo lão Trần Hưng Khôi, sống có kiên có cữ, có âm có dương, người dương trần sao thì âm phần họ cũng vậy. Dân làng ở đây ai cũng cấm con cháu leo trèo lên cây táo. Có nhiều người bị đau tới thành tâm xin tạ lỗi với ngài, ngài đều tha thứ.
Ngài ngự trị trên cây táo linh đến nổi hàng năm cứ đến ngày 4 tháng giêng âm lịch, dân làng lại nô nức tề tựu về miếu cây táo để kỵ ngài. Từ đó trở đi, dân làng lấy ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch là ngày của ngài táo.
Trụ trì vẫn ái ngại khoảng khắc 12 giờ...
Đại đức Thích Hoàn Tịnh, trụ trì chùa cho biết: Nói về độ linh thiêng của ngài thì có lẽ ở Việt Nam, “ngài linh nhất”. Bởi cứ đến 12 giờ trưa hay 12 giờ tối, người dân sống ở làng này không ai dám đến chùa. Khi chúng tôi nhờ thầy cùng ra cây táo, thầy nói: Cứ để cho nó qua 12 giờ đã, vì cây táo này rất linh thiêng. Ở chùa này nhiều đạo hữu bị vương, bắt đau ốm hoài, “cứ cầm 3 cây nhang đến xin ngài là hết”.
Theo thầy Hoàn Tịnh, ngày trước sư phụ thầy là Hòa thượng Giác Hạnh (ở Bà Rịa - Vũng Tàu), sau khi quan sát thì biết ở cây táo có một ngài ngự trị rất lớn. Ở đây có một vị quan rất lớn chết ở đó. Thậm chí tại khuôn viên này còn có cả một hội, gọi là “hội của người âm”. Linh lắm, ai nói bậy bạ là bị đau liền.
Trong chùa này, nhiều người bị đau lắm, như bà Trần Thị Xuân có lần đến khuôn viên cây táo, bà lẩm bẩm trong miệng cái gì đó, vô tình xúc phạm đến ngài, tối lại bà đau vật vã, sau 3 đêm khấn đảo liên tiếp bà mới lành. Bà Xuân nói: “Con đã biết cây táo này linh thiêng xưa chừ rồi, rứa mà con cũng không tránh được”.
Nói chưa dứt lời, anh Hoàng Nhân, một đạo hữu ở chùa chen vào: “Mới đây khi đang ngủ trưa bỗng tôi nghe âm vang rất lạ, văng vẳng bên tai như tiếng mưa cứ rì rào, rì rào. Có người nói bắt nó đi, người kia bảo đừng nó đang giữ chùa đó, đừng bắt. Tôi thấy người mình nặng rất khó thở, cố vùng dậy nhưng không sao vùng được.
Một lát sau lại thấy một ông già râu tóc bạc phơ, mình mặc bộ áo quần màu đỏ, trông to lớn vạm vỡ phi thường. Từ đó trở đi, người dân trong làng nhiều người cũng nhìn thấy như tôi thế”.
Thầy Tịnh còn cho biết thêm, cứ đêm đêm nằm ngủ khoảng 12 giờ khuya trở đi ở chùa lại nghe thấy bước chân hành quân, và âm thanh 1-2; 1-2 như trong quân đội. Dưới gian nhà bếp thì nghe tiếng loảng xoảng, chén ba va nhau, như có ai đó đang rửa chén bát, vì thế cứ tối đến không ai dám đi một mình xuống nhà bếp.
Khi đặt lưng nằm xuống là cũng có thể nghe rõ mồn một tiếng ru con giữa đêm khuya thanh vắng...cứ nghĩ đến là lạnh cả người. Buổi trưa, cứ nhắm mắt là lại nghe thấy âm thanh lạ, không sao ngủ được. Khi chúng tôi tiến hành đào móng, xây là nhà tăng thì phát hiện bên dưới có những cái bao như bao cát, nhưng bên trong thì có loại đất màu đen, như hài cốt bị tiêu hủy từ lâu lắm rồi. Nguyên cả làng Văn Xá này ai cũng biết chùa linh thiêng, người ta đi ngang qua chùa không ai dám nhìn vào vì họ sợ ma.
Nói về cây táo, ông Đỗ Vĩnh, 79 tuổi, người làng Văn Xá cho biết: Hồi trước nơi đây có nguyên cả một hầm xương người bị chôn tập thể, dưới hầm rất nhiều xương. "Thời đó những người lính chết ở đây nhiều lắm, có người bị treo cổ tại đây".
Điều kỳ lạ là lúc đang xây dựng miếu thờ cây táo, đại đức Thích Hoàn Tịnh nói cái miếu của ngài thì phải vẽ con hổ cho xứng tầm với ngài nhưng sau vì thời gian gấp rút nên không vẽ kịp, anh Hòa thợ nề mới lẩm bẩm, xưa chừ con nghe ngài linh thiêng, chừ con cũng đang đói, nhân tiện thiếu con hổ thì xin ngài cho con một con số con kiếm ít tiền tiêu, thầy Tịnh buộc miệng nói, con hổ là ông 30 nên con thử xem, không ngờ tối lại ra 2 lô 30 cùng một lúc. Nhưng khi đó đã 16h30 nên người ta không ghi tịch nữa, thế là cả thầy và trò vừa ngạc nhiên vừa tiếc đứt ruột.
Ông Phạm Văn Hy, Chủ tịch UBND phường Hương Văn cho biết, cây táo này tồn tại từ xưa đến nay rồi, trước đó có người ở để trông nom cây táo. Sau này được giao cho chùa Hội Phước quản lý, còn chuyện linh thiêng thì tôi cũng có nghe dân đồn thế thôi, chứ mình cũng không biết. Rất có thể đó chỉ là những hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên nên người dân cứ tưởng đó là ma, là ngài hay thần thánh nên tôn xưng mà thôi”.
Sự thật về cây táo có ngài ngự trị linh thiêng đến như thế nào thì chỉ nghe người dân đồn ầm về nó. Còn người dân địa phương họ vẫn biết rằng, cây táo này là cây táo cổ đã có từ lâu đời, hàng năm ngoài người dân bản địa còn có rất nhiều du khách khắp nơi đến miếu hành lễ. Ngôi miếu có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.
Kể cũng lạ, có lẽ chẳng có ngôi làng nào ở nước ta lại sì sụp thờ cúng, váy lại cây táo như ở chùa Hội Phước, làng Văn Xá, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.