Dân Việt

Mafia châu Á: Vươn vòi bạch tuộc

16/06/2013 08:40 GMT+7
(Dân Việt) – Không nổi tiếng như mafia Ý, nhưng những tổ chức xã hội đen ở châu Á như hội Tam Hoàng, Yakuza… đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, và quy mô tội ác cũng như ảnh hưởng của chúng không hề nhỏ hơn.

Từ những “cái nôi” như Nhật Bản, Trung Quốc (TQ), mafia châu Á nay đã vươn vòi bạch tuột ra khắp các nước châu Á và trên toàn thế giới, với nhiều lĩnh vực làm ăn phi pháp mới.

Những cuộc “đổ bộ” của Hội Tam Hoàng

img
Các hành vi đâm chém như thế này đã không còn phổ biến trong các băng đảng mafia châu Á

Vào đầu thế kỷ XX, các tổ chức Tam Hoàng bắt đầu bành trướng hoạt động sang các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Macau, miền bắc Borneo. Cuối thế kỷ XIX, nhân công người TQ đến Nam Mỹ, Australia và các đảo Nam Thái Bình Dương theo hợp đồng cũng đã tạo điều kiện cho việc truyền bá của các tổ chức Tam Hoàng.

Sau đó, cộng đồng người Hoa mở rộng đến Nam Mỹ, Trung Mỹ và vào năm 1953, mở rộng đến các thành phố khác của Canada và châu Âu. Vào những năm 1970, xuất hiện các khu người Hoa ở nhiều thành phố trên thế giới. Những trung tâm này ngày càng thu hút người Hoa vì có nhiều sòng bạc và các nơi ăn chơi đang phát triển rầm rộ. Các hoạt động này thường cần sự bảo vệ của các tổ chức Tam Hoàng khi không có bảo vệ địa phương. Tại các khu người Hoa ở Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) và Vancouver (Canada), các băng đảng hội Tam Hoàng bắt đầu tiến hành các hoạt động nhập lậu và vận chuyển ma túy, đặc biệt là heroin.

Vào năm 1997 khi Hong Kong được trao trả về cho TQ, thế giới lại một lần nữa chứng kiến sự “đổ bộ” ào ạt của hội Tam Hoàng ra các nước. Nhiều băng đảng hội Tam Hoàng khét tiếng ở Hong Kong đã nhanh chân di chuyển địa bàn hoạt động sang Mỹ, Hà Lan... và nhiều quốc gia có Hoa kiều sinh sống. Theo các cơ quan an ninh, hiện nay hội Tam Hoàng hoạt động ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những thành phố đông người Hoa sinh sống như San Francisco, New York, Seattle, Chicago, Boston, Los Angeles, Las Vegas, London, Belfast, Dublin, Manchester và Amsterdam. Hội Tam Hoàng cũng tham gia vào một số hoạt động ngầm như buôn lậu xuyên đại lục từ Đông Á sang Mỹ, Canada và Anh.

Theo nhiều chuyên gia an ninh, trong số các băng nhóm xã hội đen Hong Kong và Macau, Hòa Hợp Đào là băng nhóm mở rộng địa bàn “làm ăn tốt nhất” và đến nay có “chân rết” ở nhiều nơi trên thế giới. Theo tài liệu của cảnh sát Mỹ, băng Hòa Hợp Đào đã cử một đại ca có số má là Trang Bính Cường từ Hong Kong sang Mỹ năm 1982 để thôn tính mảnh đất màu mỡ trong thế giới ngầm ở khu phố Tàu tại thành phố San Francisco, bang California.

Bề ngoài, mục đích của Trương Bính Cường khi đến Mỹ là thành lập một công ty nhạc kịch TQ, nhưng các tài liệu điều tra của Mỹ cáo buộc nhân vật này chính là ông chủ đứng đằng sau băng tội phạm Hòa Hợp Đào ở bắc California, một băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi, kiếm tiền bất chính từ hoạt động bảo kê các nhà hàng cùng các sòng bạc. Hòa Hợp Đào cai trị thế giới ngầm ở San Francisco bằng “nắm đấm sắt”. Hội viên băng nhóm này được ăn miễn phí tại bất kỳ nhà hàng nào tại khu phố Tàu ở San Francisco. Băng nhóm này đã thôn tính nhiều băng đảng Hoa kiều ở San Francisco và sẵn sàng thanh toán các đối thủ để củng cố quyền lực đen, với nhiều vụ giết người kinh hoàng.

Tại Anh, băng hội Tam Hoàng lớn nhất là Hòa Thắng Hòa, theo nhận định của chính quyền Anh. Băng này đặt trụ sở ở Manchester, nhưng có phân nhánh lớn ở Birmingham, Glasgow, London và các phân nhánh nhỏ ở Bristol, Newcastle, Stoke-on-trent và Cardiff. Mặc dù các thành viên được tuyển dụng theo cách truyền thống, nhiều thành viên xuất thân từ các doanh nhân nổi tiếng, những người vốn giao hảo với Hòa Thắng Hòa để bảo vệ tài sản của họ, hoặc tham gia đầy đủ các hoạt động tội phạm.

Tại Anh, các băng đảng hội Tam Hoàng thường núp dưới bình phong là các câu lạc bộ văn hóa TQ hoặc các hiệp hội võ thuật. Họ thường tuân thủ khá nghiêm ngặt sự phân chia địa bàn, nhưng Hòa Thắng Hòa từng được biết có liên quan đến những vụ tống tiền trên một khu vực rộng lớn, như tới tận Truro và Great Yarmouth. Ngoài Anh, Hòa Thắng Hòa đã vươn vòi bạch tuột đến những nước khác như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Bỉ.

Trong khi đó, dù là băng đảng có số thành viên lớn nhất trong hội Tam Hoàng, bang Tân Nghĩa An chỉ mở rộng phân nhánh ra 4 nước Anh, Bỉ, Pháp, Hà Lan. Các thành viên của hội Tam Hoàng thường ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, thông báo cho nhau những âm mưu phạm tội. Từ đây cho ra đời các băng tội phạm quốc tế lớn bao gồm nhiều băng tội phạm thuộc hội Tam Hoàng hợp lại.

img
Trận Ghana-Brazil ở World Cup 2006 nghi bị mafia châu Á dàn xếp tỷ số

Yakuza trên đất Mỹ

Hoạt động của Yakuza đã vượt biên giới Nhật lan sang các nước châu Á lân cận, thậm chí đến tận Mỹ. Một báo cáo trước quốc hội của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết Yakuza là một trong những tổ chức tội phạm hoạt động dữ dội nhất thế giới, với "doanh thu" hàng chục tỷ USD/năm. 1/3 số tiền kể trên đến từ các hoạt động buôn lậu ma túy tổng hợp.

Tại Mỹ, Yakuza đặt "tổng hành dinh" tại Hawaii, nơi tổ chức này có lúc kiểm soát đến 90% dòng chảy ma túy tổng hợp vào đây rồi từ đó phân phối sang các thành phố khác của Mỹ. Cũng từ Hawaii, Yakuza tổ chức các hoạt động đưa lậu vũ khí về Nhật và móc nối với các băng đảng địa phương đưa du khách châu Á đến các sòng bài, các show diễn khiêu dâm hay các nhà thổ.

California cũng là một thị trường béo bở, nơi các băng nhóm Yakuza giăng đầy những cái bẫy sẵn sàng quấn chặt chân những nữ diễn viên trẻ muốn tìm danh tiếng ở Hollywood. Rất nhiều người trong số họ đã bị dụ đóng phim sex hoặc làm gái gọi. Ngoài ra, Yakuza cũng không bỏ qua Las Vegas - nơi được mệnh danh là "thiên đường ăn chơi" với các sòng bạc và nhà thổ hoạt động thâu đêm suốt sáng.

Diện mạo mới

Tại thời điểm hiện tại, buôn lậu ma túy chính là hoạt động mang tính quan trọng và thu nhiều lợi nhuận nhất cho cả Yakuza và hội Tam Hoàng, đặc biệt là buôn lậu heroin đang phát triển mạnh ở hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Mỹ cũng như ở một số nước Đông Nam Á. Ngoài ra các hoạt động phi pháp khác như bảo kê, tống tiền, bắt cóc phụ nữ, trẻ em cũng đuợc những băng nhóm trong hội này khai thác một cách triệt để, miễn sao có thể kiếm được nhiều tiền. Hoạt động tống tiền của hội Tam Hoàng tập trung vào những người gốc Hoa (đặc biệt là các chủ nhà hàng), những hoạt động khác như đánh bạc và hoạt động mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

img
Mafia ngày nay còn lấn sân sang các loại tội phạm ảo

Ngày nay, nhiều chi hội của hội Tam Hoàng không chỉ hoạt động bí mật mà còn vươn ra ánh sáng dưới hình thức doanh nghiệp. Nhiều chi hội độc lập ở TQ đại lục, Macau, Đài Loan và Hong Kong còn liên minh với nhau để thu lợi. Mục tiêu hàng đầu của hội Tam Hoàng chỉ có một chữ duy nhất là... tiền. Để đạt được mục đích này, hội Tam Hoàng đã nhúng tay vào nhiều hoạt động phi pháp, không từ cả thủ đoạn giết người và buôn bán heroin.

Giống như nhiều tổ chức buôn bán ma túy quốc tế, hội Tam Hoàng thành lập những băng đảng gangster và hầu hết các hoạt động phi pháp đều được thực hiện bởi đội quân này. Tại mỗi nơi trên thế giới mặc dù được phân thành nhiều chi hội khác nhau nhưng tất cả đều dưới quyền kiểm soát của một ông trùm.

Từ vài năm nay, Yakuza đã trở nên bí mật hơn trước và bắt đầu xây dựng vỏ bọc “hợp pháp”. Các tổ chức này đầu tư nhiều hơn vào bất động sản, xây dựng và chứng khoán. Tờ L’Expansion của Pháp dẫn tài liệu từ cảnh sát Nhật ước tính hơn một nửa doanh thu của mafia nước này đến từ kinh doanh hợp pháp. Đây là chiến thuật khá hiệu quả của Yakuza: xen lẫn giữa những thành viên thực thụ là các “hội viên”. Có đến 42.300/80.000 Yakuza chỉ là hội viên. Những người này không xăm mình và có thể là chuyên gia trong nhiều ngành khác nhau…

Những lĩnh vực mới

Dù các hành vi phạm tội như giết người, cướp có vũ trang, bắt cóc và buôn lậu ma túy, vũ khí vẫn là những “nghề” chính của các băng đảng tội phạm có tổ chức, tuy nhiên, trong thời gian gần đây bọn chúng đã liên quan đến nhiều hoạt động phạm tội lừa đảo, rửa tiền, sử dụng thẻ tín dụng giả, dàn xếp tỷ số các trận thể thao... Ngoài ra, để tạo điều kiện dễ dàng cho việc nhập cảnh bất hợp pháp qua các cửa khẩu, các tổ chức tội phạm châu Á hiện nay đang nhúng tay vào các đường dây làm giấy thông hành giả, hộ chiếu giả, thẻ cử tri giả. Chỉ tính riêng tại Hà Lan, hiện đang có khoảng 40.000 đến 100.000 người Hoa đang sinh sống bất hợp pháp.

Một điều tra hồi đầu năm nay của cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết có tới 680 trận bóng đá gần đây trên thế giới đã bị các mạng lưới cá cược phi pháp dàn xếp tỷ số. Trong đó, có tới 150 trận đấu quốc tế và khoảng 380 trận đá bóng ở châu Âu, bao gồm các giải đấu danh giá như World Cup, Euro và Champions League.

Tại một hội nghị về nạn cá cược thể thao phi pháp năm 2011, Tổng thư ký Interpol Ronald Noble cho biết trong năm 2007, tại các nước như TQ, Malaysia, Singapore và Việt Nam gần 400 vụ cá độ phi pháp đã bị bắt cùng với 700 triệu USD bị thu giữ. Năm 2008, cảnh sát Indonesia đã mở chiến dịch truy quét, phanh phui 1.300 vụ cá độ với số tiền bị phong tỏa lên tới 2 tỷ USD. Đây cũng là thời điểm diễn ra giải Euro.

Trong kỳ World Cup 2010, tổng số tiền cá cược bóng đá bất hợp pháp bị thu giữ trong các chiến dịch truy quét nhỏ lẻ tại 4 quốc gia kể trên cũng lên tới 150 triệu USD. Hiện bóng đá, bóng rổ, cricket là những môn bị dàn xếp tỷ số nhiều nhất. Các nhà chuyên môn lo ngại nếu không có những biện pháp ngăn chặn nạn cá cược phi pháp kịp thời, tệ nạn này sẽ nhanh chóng làm tổn hại nhiều môn thể thao khác. Đầu năm 2013, cảnh sát Italia đã bắt được một người Slovenia nghi là một nhân vật chủ chốt trong đường dây dàn xếp các trận bóng đá quốc tế.

Nghi phạm người Slovenia bị bắt khi đang chạy trốn đến Milan từ Singapore. Cảnh sát quốc tế (Interpol) cho biết đó là Admir Suljic, 31 tuổi, có quan hệ với Dan Tan, một doanh nhân Singapore gốc Hoa. Dan Tan tên thật Tan Seet Eng, là nghi can lớn nhất trong vụ bê bối dàn xếp tỷ số bóng đá được cho là lớn nhất lịch sử, đứng sau mạng lưới cá độ khổng lồ đã dàn xếp kết quả hơn 680 trận bóng khắp châu Âu và các nơi khác.

Trong lĩnh vực tội phạm ảo, TQ đang nổi lên như một lực lượng đáng sợ, mà gần đây là những vụ tin tặc xâm nhập ăn cắp các tài liệu bí mật vũ khí của Mỹ. Theo một báo cáo của Symantec, tính đến cuối năm 2006, TQ là “nhà” của bộ sưu tập các loại máy tính lây nhiễm phần mềm độc hại (malware) lớn nhất của thế giới. Trong khi đó, nghiên cứu của công ty an ninh Sophos vào tháng 4-2007 cho biết TQ đã vượt qua Mỹ trở thành nước có số lượng website bí mật cài đặt chương trình mã độc lên máy tính để ăn cắp thông tin cá nhân hoặc phát tán thư rác nhiều nhất thế giới.

Theo phân tích ngôn ngữ tại khoảng 19.000 máy tính vào cuối năm 2006, người Mỹ và những người nói tiếng Anh không phải tiếng Anh-Anh (chẳng hạn Anh-Mỹ, Anh-Australia...) vẫn là những nơi sản sinh nhiều phần mềm độc nhất, chiếm 1/3 tổng phần mềm độc trên thế giới. “Ngôn ngữ tội phạm” thứ hai là TQ chiếm 30%, tiếp theo là Brazil 14,2%, Nga đứng thứ 4 với 4,1%. Một báo cáo mới đây của Microsoft cũng cho thấy tội phạm mạng ngày càng trở nên tinh vi hơn khi thực hiện việc mô hình hóa hoạt động của chúng dưới dạng các quy trình nghiệp vụ phổ biến để lừa người sử dụng nhằm đánh cắp và gian lận các thông tin quan trọng. Chẳng hạn ứng dụng lừa đảo mang tên "419" gia tăng đáng kể trong email và các phần mềm độc hại, đội lốt là một ứng dụng bảo mật hợp pháp nhằm đánh lừa người sử dụng vẫn tiếp tục là một vấn đề đối với người tiêu dùng.

Trong vụ Liberty Reserve mới đây, chúng ta được biết về hoạt động rửa tiền thông qua các dịch vụ tiền ảo. Trong thực tế, rửa tiền cũng là một trong những hoạt động ưa thích của các băng đảng tội phạm hiện nay. Rửa tiền cũng là hành vi phổ biến của các quan tham, đặc biệt tại TQ, sào huyệt của hội Tam Hoàng. Theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương TQ công bố năm 2011, các quan chức tham nhũng nước này đã chuyển lậu 800 tỷ tệ ra khỏi đất nước và khoảng 17.000 người chạy trốn ra nước ngoài từ giữa những năm 1990 đến năm 2008.

Theo Thế giới & Hội nhập