Việc ông Huỳnh Uy Dũng - chủ Khu du lịch (KDL) Đại Nam tuyên bố sẽ đóng cửa KDL này trong 10 ngày như ông nói là do những o ép từ chính quyền tỉnh Bình Dương (NTNN số 264/2014). Có o ép hay không, chúng tôi chưa kết luận nhưng quả thực, chỉ trong vòng 51 ngày mà tỉnh Bình Dương đã ban hành đến 12 văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành làm việc với Công ty cổ phần Đại Nam thì dễ dàng nhận thấy có sự bất thường…
51 ngày, 12 văn bản chỉ đạo
Theo lời ông Dũng nói với NTNN, việc o ép này không phải mới xuất hiện từ sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về những nội dung mà ông tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, mà nó đã có từ nhiều năm nay. “Tôi đầu tư kinh doanh với mong muốn góp phần phát triển kinh tế và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại Bình Dương, nhưng thật đáng tiếc là dường như bây giờ tỉnh không mong muốn như thế. Người ta o ép càng ngày càng tăng và gần đây, sau khi tôi có đơn tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương lên Thủ tướng Chính phủ thì tình hình càng thêm bức bối, chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi” – ông Dũng bức xúc.
Theo ông Huỳnh Uy Dũng, chỉ trong vòng 51 ngày mà tỉnh Bình Dương đã ban hành đến 12 văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành làm việc với Công ty Đại Nam, đã gây khó khăn, o ép, tạo áp lực đối với Công ty Đại Nam. Cụ thể, UBND tỉnh Chỉ đạo Sở TNMT thúc ép Công ty Đại Nam phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài đối với khu đất ở 61,4ha trong KCN Sóng Thần 3; chỉ đạo thu hồi quyết định cho phép thay đổi thời hạn sử dụng đất ở đối với khu đất ở nói trên; chỉ đạo Cục Thuế buộc xác định lại nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất ở, đồng thời tiến hành thanh tra thuế Công ty Đại Nam, mặc dù tháng 7 và 8.2014 Cục Thuế tỉnh đã thanh tra thuế Công ty Đại Nam (gửi văn bản tiếp tục thanh tra thuế ngày 20.10.2014 và tiến hành thanh tra ngay vào ngày 22.10.2014); chỉ đạo công an tỉnh nhiều lần (gần nhất là ngày 7.10.2014) mời cán bộ, nhân viên của Công ty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Công ty Đại Nam liên quan đến khu đất ở dù khu đất ở 61,4ha không xây dựng bất kỳ công trình nào và không thay đổi hiện trạng nào trên đất kể từ năm 2009 đến nay...
Những quyết định trái luật
Chỉ riêng việc kiểm tra thuế đã cho thấy một sự không bình thường. Theo văn bản mà Công ty Đại Nam gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, ngày 23.10.2012 Tổng cục Thuế đã có Quyết định số 1647/QĐ-TCT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại Công ty Đại Nam, thời kỳ kiểm tra năm 2011. Ngày 21.8.2013, Kiểm toán Nhà nước có văn bản gửi Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc yêu cầu cung cấp số liệu để thực hiện kiểm tra, đối chiếu về nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ năm 2010-2012. Ngày 24.7.2014, Cục Thuế tỉnh Bình Dương có quyết định thanh tra thuế tại Công ty Đại Nam, thời kỳ thanh tra năm 2012. Ngày 20.10.2014, Công ty Đại Nam lại nhận được Quyết định thanh tra thuế số 6434/QĐ-CT ngày 16.10.2014 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc thanh tra thuế tại Công ty Đại Nam, thời kỳ thanh tra từ năm 2009 đến nay.
Theo một lãnh đạo Công ty Đại Nam, chỉ trong vòng 3 tháng công ty nhận được 2 quyết định thanh tra của Cục Thuế Bình Dương khiến doanh nghiệp cảm thấy không bình thường. Hơn nữa, thời kỳ năm 2011 đã được Tổng cục Thuế kiểm tra và có kết luận; thời kỳ năm 2012, Cục Thuế Bình Dương đã thanh tra và kết luận.
Một chuyên gia về pháp lý cho rằng, theo quy định của pháp luật về thanh tra, Cục Thuế tỉnh không có quyền thanh tra, kiểm tra lại vụ việc mà Tổng cục Thuế đã kết luận, cũng như những vụ việc mà ở Cục Thuế tỉnh đã kết luận. Đó là chưa kể nhiều văn bản, chỉ đạo thúc ép khác mà chỉ trong vòng 51 ngày đã có 12 văn bản được ban hành khiến cán bộ, nhân viên Công ty Đại Nam không còn tâm trí để làm việc... “Họ không muốn tôi làm và như muốn bức tử công ty đến đường cùng. Vì thế, tôi buộc lòng phải đóng cửa Đại Nam để chờ chỉ đạo tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ” – ông Huỳnh Uy Dũng nói.