Nên nâng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 27. Quy định như thế thể hiện trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. Ở độ tuổi ấy, sau khi xuất ngũ trở về vẫn đủ điều kiện, sức khỏe để học tập, xây dựng cuộc sống...
Trần Trung Dũng (Lâm Thao, Phú Thọ)
Ngày nay, vũ khí, khí tài luôn được nâng cấp hiện đại để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thực hiện nghĩa vụ quân sự 18 tháng thì người lính chưa đủ thời gian tiếp cận, nắm bắt chứ chưa nói đến sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài. Như vậy làm sao có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Vì vậy, việc nâng thời gian tại ngũ từ 18 lên 24 tháng là hợp lý.
Đặng Đức Anh (Liễu Giai, Hà Nội)
Người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động cần có nơi nương tựa để đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa họ cũng đã mất mát nhiều trong chiến tranh nên việc tạm hoãn nhập ngũ đối với 1 con của họ là cần thiết, vừa có ý nghĩa nhân văn, vừa giúp họ có điều kiện đảm bảo ổn định cuộc sống, có người chăm sóc lúc ốm đau.
Trần Đăng Tuynh (Hưng Hà, Thái Bình)
Theo tôi, miễn gọi nhập ngũ đối với thanh niên tình nguyện, cán bộ viên chức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… là đúng. Bởi họ làm việc ở những nơi này cũng không khác gì đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nguyễn Văn Tài (Đồn Biên phòng Quất Lâm, Nam Định)
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên cũng cần có thời gian để hội nhập với cuộc sống đời thường. Vì vậy tôi thấy việc đề xuất nâng thời gian quân ngũ thêm 6 tháng, từ 18 lên 24 tháng, có khi làm lỡ cả cơ hội để họ lập nghiệp.
Trần Đức Ninh (Gò Vấp, TP.HCM)
Đọc xong thông tin trên báo, tôi nhẩm tính: 27 tuổi, cộng với 2 năm quân ngũ là 29. Sau 2 năm gián đoạn với công việc, 29 tuổi rồi mới bắt nhịp trở lại công việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đắc Năng (Quảng Ninh)