Dân Việt

Cung cấp cho Quân đội và đất nước những người tài, giỏi

Nguyễn Gia Tưởng (thực hiện) 05/11/2014 08:50 GMT+7
Sau việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự  hôm 3.11, đã có rất nhiều cử tri, người dân quan tâm và bày tỏ băn khoăn về một số điểm mới của dự luật. Phóng viên NTNN đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Diệp - Trưởng phòng Quân số chính sách thuộc Cục Quân lực (Bộ Quốc Phòng) - đơn vị trực tiếp soạn thảo Dự luật.

Thưa Đại tá, đề xuất tại Dự luật về việc kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân từ 18 lên 24 tháng đang rất được dư luận quan tâm. Vì sao ban soạn thảo đề xuất kéo dài thời gian như vậy?

- Lý do của đề xuất này là với thời hạn 18 tháng hiện nay đã xuất hiện những bất cập trong thực tiễn. Vì hiện nay phương thức tác chiến đã thay đổi không giống như những cuộc chiến tranh mà chúng ta đã trải qua, chiến tranh hiện đại và tinh vi hơn. Vì vậy ta phải kéo dài thời gian tại ngũ của chiến sĩ do phải kéo dài thời gian huấn luyện và huấn luyện thường xuyên. Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ, trước kia bắn một bài AK bộ binh đạt 30 điểm là ưu tú, nhưng bây giờ phải 90 điểm mới đạt vì bắn đủ 3 tư thế nằm, quỳ và đứng.

img Cán bộ, chiến sĩ tàu Lý Thái Tổ đã làm chủ trang bị, vũ khí hiện đại để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 

 

Như Bộ trưởng Quốc phòng đã trình bày trước Quốc hội, hiện nay một số quân chủng như không quân, hải quân, tác chiến điện tử tiến thẳng lên hiện đại, chính vì thế để tránh đổ máu thương vong trên chiến trường chúng ta phải đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện, cần có thời gian huấn luyện để làm chủ những vũ khí, khí tài hiện đại thì đồng nghĩa là kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân.

Hơn nữa việc kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân sẽ làm cho tư tưởng cán bộ, chiến sĩ không bị dao động. Vì những người có trình độ được đưa đi học hạ sĩ quan sẽ ở trong quân ngũ 24 tháng, còn những người đi nghĩa vụ đơn thuần chỉ có 18 tháng, sẽ sinh ra một tâm lý trốn tránh đi học nghiệp vụ của những quân nhân được lựa chọn đi học, vì họ sợ phải ở lại đơn vị thêm 6 tháng. Chính vì vậy kéo dài tới 24 tháng là quân đội ta luôn có lực lượng chiến đấu “gối vụ” có chất lượng cao, tinh nhuệ, đáp ứng được các nhiệm vụ phức tạp trong công tác bảo vệ đất nước hiện nay

Quan điểm
img
Đại tá Nguyễn Minh Diệp • Trưởng phòng Quân số chính sách thuộc Cục Quân lực (Bộ Quốc Phòng)
 Chúng tôi tin dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự mới này nếu được phê duyệt sẽ rất phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước ta tạo điều kiện để quân đội ta ngày càng trưởng thành, chính quy hiện đại, có đầy đủ sức mạnh để bảo vệ chế độ, đất nước và nền kinh tế ngày càng phát triển của nước ta”. 
Việc nâng thời gian tại ngũ còn giảm được công tác tuyển quân mỗi năm chỉ có 1 lần, trước kia một năm tuyển quân 2 đợt làm cho cả quân đội và các địa phương cũng tốn kém, mệt mỏi. Nếu rút xuống còn một đợt theo ước tính của chúng tôi mỗi năm giảm được 1.000 tỷ đồng. Nâng thời gian tại ngũ thì còn một tác dụng nữa là chuẩn bị cho lực lượng dự bị động viên hạng 1 có chất lượng cao hơn vì có thời gian huấn luyện tốt hơn.

 

Dự luật cũng bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến 27 tuổi đối với công dân học đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Việc nâng độ tuổi từ 25 lên 27 như vậy nhằm mục đích gì?

- Trước hết tôi xin khẳng định mục tiêu này là để đảm bảo tính công bằng đối với tất cả các công dân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hiện nay có rất nhiều người đã lợi dụng vào luật cũ quy định về đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách xin đi học nghề ở các trường đào tạo nghề, họ có thể đóng tiền mà không học, hay chỉ ghi tên học đợi đến khi 25 tuổi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự là thôi. Có địa phương đến 40% người thuộc diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

Về quy định tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, xin Đại tá nói rõ hơn về các trường hợp được tạm hoãn?

- Trước kia nhiều người vẫn hiểu rằng là công chức nhà nước hay người làm ở cơ quan ăn lương ngân sách nào đó thì không phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Nhưng nay dự luật quy định chỉ học sinh và sinh viên ở những trường đại học chính quy của nhà nước mới được hoãn nghĩa vụ quân sự.

Nếu anh là sinh viên, học đến 23 tuổi xong đại học thì anh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì bản thân quân đội hiện nay cũng phải cần người tài để đáp ứng những yêu cầu hiện đại, trong năm 2014 chúng tôi đã tuyển được 5,4% số tân binh có trình độ đại học. Những người có trình độ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu họ muốn phát triển gắn bó với con đường binh nghiệp, thì đây là một kho tài nguyên của quân đội và của quốc gia. Còn họ không theo con đường binh nghiệp, thì đã được quân đội rèn luyện rất tốt, bản lĩnh chính trị được nâng cao, tác phong nề nếp cẩn thận chuẩn mực, nếu họ có tham gia vào hoạt động bộ máy nhà nước cũng rất tốt, ít bị sa vào lối sống buông thả. Hiện nay quân đội cũng đã dạy về quản lý nhà nước cho quân nhân xuất ngũ khi họ về địa phương đã tham gia rất tốt vào công tác này, nhiều cán bộ lãnh đạo hiện nay trưởng thành từ quân ngũ.

Quá trình soạn thảo dự luật này có lấy ý kiến rộng rãi, nhất là về những sửa đổi có tác động đến nhiều người dân?

- Để có dự thảo này, chúng tôi đã mở một cuộc điều tra xã hội học, kể cả trong dân sự lẫn quân đội, lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố, cùng các bộ ngành có liên quan như: Tư pháp, Tài chính, Lao động... Tổ biên tập đã có hàng chục buổi hội thảo, thảo luận và đưa dự thảo lên mạng thông tin điện tử quốc phòng, xin ý kiến Quân ủy Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội... rồi chúng tôi mới hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội ở kỳ họp này.

Xin cảm ơn Đại tá!