Dân Việt

Lâm Thao cung ứng 3.000 tấn phân bón/ngày: Ngăn sốt giá phân bón vụ đông xuân

Hồng Liên - Linh Chi 05/11/2014 10:08 GMT+7
Hiện các tỉnh miền Bắc đang bước vào sản xuất vụ đông với mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng từ 20.000 - 22.000 tỷ đồng. Là doanh nghiệp cung ứng phân bón lớn nhất cả nước với sản lượng 3.000 tấn/ngày, các sản phẩm phân NPK-S, supe lân và lân nung chảy của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã và đang được bà con nông dân khắp nơi tin dùng.

Biến thách thức thành... thời cơ

Những ngày này, người dân các tỉnh miền Bắc đang tập trung sản xuất vụ đông với cây trồng chủ lực là rau màu và cây lấy củ. Đây là những loại cây trồng cần sử dụng khá nhiều phân bón, nhất là phân bón tổng hợp NPK-S, supe lân. Theo các chuyên gia về phân bón, đối với cây vụ đông, đặc biệt là những loại cây ngắn ngày rất cần các loại phân bón tan trong nước và đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng tổng hợp từ cây trồng.

img

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Khuyến trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN.

Đặc biệt, với các loại cây ngắn ngày, bà con phải tranh thủ thời tiết, giờ nắng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, do đó nếu chỉ sử dụng phân bón không tan trong nước thì tác dụng với cây trồng sẽ rất hạn chế. Nắm bắt được tình hình thực tế đó, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã nghiên cứu ra loại phân bón có 2 thành phần tan và không tan trong nước, giúp cây con có thể hấp thụ ngay một phần phân bón tan trong nước và khi cây lớn lên, bộ rễ sẽ tiếp tục sử dụng được loại phân này. Đồng thời, loại phân này còn giúp hạn chế khả năng rửa trôi, bốc hơi của phân bón và nâng cao hiệu quả của việc bón phân.

Đánh giá về các sản phẩm phân bón của công ty, ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nhấn mạnh, để giảm thiểu tối đa chi phí vận chuyển và đưa sản phẩm đến tay bà con với giá thành thấp nhất, công ty đã chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt, đường bộ và đường thủy. Thực tế cho thấy, việc sản xuất phân bón hiện nay giá cả rất bấp bênh do nguyên liệu đầu vào tăng, ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất. “Với nguyên liệu đầu vào, công ty đã chủ động nhập ở thời điểm mà giá nguyên liệu thấp nhất nên bà con nông dân sẽ được hưởng giá hợp lý. Hiện Lâm Thao đang dự trữ 300.000 tấn cho vụ đông tới. Khi đến vụ sẽ có 500.000 tấn phân bón với giá bình ổn, do đó bà con hoàn toàn yên tâm về nguồn cung” - ông Khuyến chia sẻ.

Được biết, ở thời điểm hiện tại công ty đã đưa một lượng hàng lớn về các kho trên địa bàn các xã, thôn ở các địa phương để tránh tình trạng sốt giá cục bộ, đảm bảo bình ổn giá. Ngoài ra, nhằm giúp nông dân tránh bị tư thương ép giá, công ty cũng đã hỗ trợ thêm một phần cước vận chuyển cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Tĩnh…

Bà con nông dân có thể yên tâm với giá cả phân bón của Lâm Thao kể cả ở các khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên... Ông Khuyến cho biết: “Giá sản phẩm ở các vùng kể trên công ty bán gần như không có lợi nhuận, chủ yếu để giữ thị trường”. Phải chăng, đây chính là nghệ thuật kinh doanh, là cách thức làm ăn của một “bộ óc thành công” khi biết tranh thủ biến những khó khăn thành thuận lợi của mình...

Hỗ trợ bất cứ khi nào bà con cần

Là một trong những công ty có thế mạnh về sản xuất các loại phân bón chuyên dùng cho từng loại cây trồng, ông Khuyến chia sẻ: “Công ty đã nghiên cứu thận trọng để đưa ra các loại phân bón phù hợp với các loại cây trồng, song chúng tôi cũng không đưa ra quá nhiều loại khiến bà con nông dân cảm thấy rối và khó sử dụng. Các loại phân được đưa ra đều dựa trên các giai đoạn sinh trưởng của cây sao cho phù hợp và hiệu quả nhất”.

Bên cạnh việc chú trọng vào sản xuất, công ty còn tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo, xây dựng hàng nghìn mô hình bón phân NPK-S khép kín trên khắp cả nước để bà con có cơ hội tiếp cận, học hỏi. Đặc biệt, công ty còn thường xuyên phối hợp với đội ngũ cán bộ khuyến nông các huyện, tỉnh, các ban ngành như Hội Nông dân, Đoàn thanh niên… để hướng dẫn, giải đáp và giúp đỡ bà con nông dân kịp thời về cách thức sử dụng hiệu quả các loại phân bón.

“Phân bón Lâm Thao đã và đang đi đúng hướng, và thậm chí còn có nhiều ưu điểm so với các loại phân bón khác trên thế giới. Ngoài ra, công ty còn tạo điều kiện cho các đại lý khoanh, giãn nợ và cung ứng phân bón trả chậm tới cho bà con nông dân vào vụ sau” - ông Khuyến cho biết thêm. Điều quan trọng nhất mà vị Tổng Giám đốc doanh nghiệp này hướng tới không chỉ là lợi nhuận, mà còn là sự chia sẻ với nông dân. Quan điểm này của ông cũng đã được phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 5.2014: “Nếu bà con nghèo quá, khổ quá thì mình cũng bớt lợi nhuận đi để giúp bà con nông dân”.

Ông Khuyến cũng cho biết thêm: “Việc sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất, cải tiến liên tục và đi khắp thế giới để học tập, tiếp thu về làm ra sản phẩm tốt hơn để mình không lạc hậu so với thế giới; đồng thời biết phát huy hết lợi thế của đất nước, tận dụng tốt nguồn quặng, trong đầu tư tiết kiệm giảm chi phí” là mục tiêu lâu dài của công ty nổi tiếng với logo “Ba nhành cọ xanh”.

Trao đổi với phóng viên NTNN về việc phục vụ sản xuất vụ đông và đông xuân, Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Khuyến khẳng định: “Với nguyên liệu đầu vào, công ty đã chủ động nhập ở thời điểm mà giá nguyên liệu thấp nhất nên bà con nông dân sẽ được hưởng giá hợp lý. Hiện Lâm Thao đang dự trữ 300.000 tấn cho vụ đông xuân tới. Khi đến vụ sẽ có 500.000 tấn phân bón với giá bình ổn, do đó bà con hoàn toàn yên tâm về nguồn cung”.