Dân Việt

Ông Trọng rừng và "ngôi nhà Rú Lịnh"

Ngọc Vũ 06/11/2014 07:32 GMT+7
37 năm qua, ông Nguyễn Đình Trọng (60 tuổi, trú thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) gắn mình với công việc giữ Rú (núi) Lịnh. Với tình yêu rừng và mong ước giữ màu xanh cho thế hệ mai sau, ông Trọng đã xem Rú Lịnh là ngôi nhà thứ hai của mình. Cũng vì thế mà người dân nơi đây gọi ông là “ông Trọng rừng”.

Giữ rừng phải dựa vào dân

Hôm chúng tôi về thăm nhà ông Trọng cũng là lúc ông đang chuẩn bị lên đường tuần tra Rú Lịnh. Một cây rựa, nắm xôi với muối lạc, chai nước và chăn màn là hành trang một ngày đi tuần rừng của ông. Vừa bước ra khỏi cửa ngõ, bà Nguyễn Thị Xuân – vợ ông Trọng nói với theo: “Nhớ tối về sớm nghe ông, đừng có về muộn như hôm qua làm cả nhà lo”. Ông cười và giải thích: “Chả là hôm qua nghe có người lạ quanh quẩn khu rừng, nghi trộm nên tôi đi tuần cả đêm đến 3 giờ sáng mới về”.

img Ông Trọng rừng tuần tra Rú Lịnh.

Rồi ông dẫn chúng tôi đi tuần Rú Lịnh. Dưới tán rừng với những cây gỗ to đến vài người ôm, tiếng chim hót vang cả khu rừng, những loài động vật như sóc, chồn… chạy nhảy khắp nơi, ông Trọng kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện rừng.

Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương sau thời gian tản cư ra Bắc. Năm 1977, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất giao rừng nên Rú Lịnh thuộc quyền quản lý của 2 xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Thời điểm đó, lâm tặc hoành hành chặt phá cây lấy gỗ và bắt thú rừng quý hiếm trong Rú Lịnh. Không đành lòng nhìn cánh rừng ngày càng “rỉ máu”, ông Trọng tình nguyện xin được giữ rừng. Hàng ngày, ông băng rừng lội suối đi tuần tra canh giữ, bắt lâm tặc. Ngoài ra ông thường xuyên ghi chép sổ sách, thống kê đo đếm cây gỗ…

Trước năm 2000, Rú Lịnh phải đối mặt với nạn khai thác trầm hương. Hết nạn trầm hương lại đến nạn khai thác gốc cây cổ thụ làm cây cảnh. Ông Trọng còn nhớ rõ lần ông bắt được một nhóm lâm tặc vào rú trộm trầm hương. Đó là vào năm 1988, nghe người dân trong vùng báo có một nhóm người lạ cứ loanh quanh Rú Lịnh, nghi ngờ là nhóm lâm tặc, ông cùng mấy đứa trẻ trong thôn giả vờ vào rừng bẫy chim để theo dõi. Xác định được địa điểm nhóm người định trộm trầm hương, ông báo với Công an xã Vĩnh Hiền phối hợp tóm gọn.

Năm 2010, ông phát hiện nhóm 11 thanh niên vào rừng trộm gốc sanh, đa. Phục kích ngày đêm, cuối cùng ông bắt được. Ban đầu chúng xin xỏ, mua chuộc bằng số tiền khá lớn nhưng thấy ông nhất quyết không cho, chúng quay sang đe dọa và còn đánh ông. Nghĩ một mình trong rừng sâu không thể chống được bọn chúng, ông giả vờ thả cho đi, nhưng khi chúng cùng tang vật vừa ra khỏi rừng, ông hô hoán dân làng tóm gọn. Giữ rừng ngần ấy năm, ông Trọng rút ra một câu ngắn gọn: “Giữ rừng là phải khôn khéo, phải biết dựa vào dân. Ai vào rừng, dù cầm một cái bao thôi dân cũng báo, nhờ thế Rú Lịnh mới còn đến hôm nay”.

Còn sống còn ở với rừng

Quan điểm

Ông Nguyễn Đình Trọng
 Giờ ở rú cây gì, ở đâu tôi cũng biết chứ về nhà, đôi khi vợ hỏi heo gà trong chuồng mấy con, ruộng cấy xong chưa tôi không hề biết. Thương vợ nhưng xa rừng tôi nhớ, tôi lo. May mà vợ con cũng thương và thông cảm. Bây giờ với tôi, còn sống ngày nào tôi sẽ giữ rừng, ở với rừng ngày đó”. 
Tên Rú Lịnh được bắt nguồn từ cây lịnh (một loại cây họ tre, gần giống như cây giang, thân cỏ, trong ống chứa nước trong và ngọt). Vào thời kỳ chống Mỹ, Rú Lịnh là nơi cất giấu khí tài và tập kết quân để chi viện cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ. Trước đây Rú Lịnh có diện tích rừng nguyên sinh 98ha, sau khi được tỉnh quy hoạch thành khu sinh thái thì có diện tích đến 230ha, có thảm thực vật phong phú với trên 200 loài thuộc 72 họ như lim xanh, gụ lau, huệnh, dẻ rừng, trầm hương, ngũ gia bì...; 73 loài chim; 12 loài thú. Rú Lịnh cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của các xã Vĩnh Hoà, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thành, Vĩnh Tân, Vĩnh Giang và còn được xem là lá phổi xanh của vùng Đông Vĩnh Linh. Đây là địa điểm để sinh viên các trường đại học, các nhà khoa học nghiên cứu về động thực vật nhiệt đới, góp phần cải tạo môi sinh.

Theo nghiệp giữ rừng suốt 37 năm ròng nhưng ông Trọng chỉ nhận được những đồng phụ cấp ít ỏi. Bấm đốt ngón tay, ông Trọng cho biết, trước được công điểm, sau Nhà nước trả cho 60.000 đồng/tháng, mỗi lần tăng vài chục, đến bây giờ mỗi tháng ông cũng chỉ nhận vỏn vẹn 500.000 đồng. Trong khi đó, công việc lại đòi hỏi ông lúc nào cũng phải thường trực trong rú, bất kể nắng mưa. Lạ rằng ông vẫn lạc quan cười xuề xòa: “Tôi giữ rú không phải vì tiền mà vì nước, vì dân, vì làng và cả vì con cháu tôi nữa”.

Đi trong rừng, ông Trọng chỉ cho chúng tôi cây lim, cây gõ… và ông cho biết những đặc điểm của từng loại cây. Rồi lúc bất chợt gặp những gốc cây bị lâm tặc đốn hạ, ông lại cau mày chua xót. Nói không ngoa, ông Trọng xem Rú Lịnh là nhà, vì thời gian ở rú nhiều hơn ở nhà.