Dân Việt

Chuyện ly kỳ ở làng “bảo vật”

17/06/2013 06:14 GMT+7
(Dân Việt) - Không biết 3 cây cổ thụ thuộc làng Long Thái, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đến nay đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng, cây khế ở khu mộ tổ họ Hoàng, cây sung ở nhà thờ họ Phạm và cây lim xanh nằm bên cạnh Đông Sơn Mộc Đức điện là những “báu vật” mà người dân làng Long Thái coi như những vị thần bảo vệ và giúp đỡ người dân nơi đây.

“Bảo vật” linh thiêng bảo vệ làng

Tiếp xúc với ông Hoàng Đình Hứa, người bảo vệ Đông Sơn Mộc Đức điện (người dân địa phương thường gọi là điện Đức Ông) cho hay: “Vùng đất này trước đây là rừng núi trùng điệp, cây cối um tùm, rậm rạp. Mãi về sau khi chiến tranh kết thúc, do nhu cầu đất ở người ta khai phá cây cối, san ủi đất lấy mặt bằng để dựng xóm làng. Nhiều cây gỗ lớn đã bị hạ gục. Riêng cây lim nằm gần điện Đức Ông nên không ai dám đụng vào…”.

 img
Cây khế cổ thụ-niềm tự hào của con cháu họ Hoàng

Qua tìm hiểu phong tục của người dân nơi đây, vào ngày rằm và mồng một hằng tháng, người dân địa phương thường lên đền thắp hương cầu khấn. Những người này không quên mang hương, lễ ra gốc cây lim cúng. Biết bao nhiêu nỗi niềm, nguyện vọng của bà con đã được tỏ bày dưới gốc cây, mong cho “thần cây” bảo vệ gia đình, con cái mình.

Nhìn vào cây lim thân cây cao lớn, sừng sững, tán lá tỏa rộng, đường kích ước chừng khoảng 3 người ôm mới xuể, vỏ cây mượt bóng, cây vươn mình lên cao, tán cây tỏa rộng rủ bóng xuống ngôi đền. Lá cây xanh mướt quanh năm nên người ta thường gọi là cây lim xanh. Ở độ tuổi 135 năm nhưng dường như cây lim này vẫn còn cao lớn hơn nữa, trong mỗi thân cây, thớ lá vẫn căng phồng sự sống.

 img
Cây lim tỏa ra nhiều cành, nhánh

Từ điện Đức Ông, rẽ qua một con ngõ nhỏ khoảng 20m là đến nhà thờ đại tôn họ Phạm. Đây là một trong hai dòng họ lớn của làng. Cây sung cổ thụ nằm trong khuôn viên nhà thờ cũng được ghi vào gia phả dòng họ một cách trang trọng. Theo gia phả, cây sung hiện giờ là một nhánh của cây sung mẹ đã chết. Không ai biết rõ tuổi của cây, cũng không ai được nhìn thấy cây sung mẹ, nhưng đối với những người con họ Phạm, nó như một thứ “gia bảo” mà tổ tiên để lại.

Thân cây vươn cao, ưỡn mình về phía nhà thờ. Từng lớp rễ phụ đâm thẳng xuống đất to bằng cột đình làng. Thân cây mang dáng vẻ hùng vĩ tự nhiên với thân tròn, chi chít những u, cục, hang hốc. Con cháu trong họ đắp lên thân cây hình hai con trăn quấn quýt lấy nhau hài hòa. Từng bộ rễ chùm to lớn, thõng xuống bám vào mặt đất như chân voi mang một vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ ngay giữa xóm làng thân thuộc ở vùng quê nghèo.

Không cao lớn như cây sung và cây lim, cây khế cổ ở khu mộ tổ họ Hoàng có chiều cao chừng khoảng 3 mét. Thân cây to lớn, gốc cây có nhiều hang hốc. Vào những năm hạn hán, cây cối trong vùng không ra hoa kết trái được nhưng cây khế cổ này vẫn trổ hoa, kết trái sum sê. Người già trong làng kể lại, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gốc cây này từng là nơi cất giấu tài liệu bí mật của các chiến sĩ cộng sản.

 img
Chùm rễ bao bọc lấy thân cây sung tạo nên những hang hốc

Những năm đói kém, dân làng thường ra đồng bắt cua về nấu canh với khế để ăn trừ bữa. Khi cuộc sống khấm khá hơn, dân làng không mấy người đến hái khế về ăn nhưng ai ai cũng chăm lo, gìn giữ cây khế như một sự tri ân với những thế hệ đi trước. Vào ngày rằm tháng giêng, con cháu trong dòng họ tập trung về đây sửa sang lại mộ tổ đồng thời vun gốc cho cây.

Nên đưa cổ mộc thành cây di sản

Cả cây khế ở khu mộ tổ họ Hoàng, cây sung ở nhà thờ họ Phạm và cây lim xanh nằm bên cạnh Đông Sơn Mộc Đức điện thuộc làng Long Thái (xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của đất nước. Dù chiến tranh hủy hoại, tàn phá; mưa bão có khốc liệt đến đâu, 3 cây cổ mộc này vẫn ung dung đứng giữa đất trời như thách thức cùng thời gian. Mỗi cây một vẻ nhưng nó đều thể hiện sức sống trường tồn, mãnh liệt của mảnh đất quê hương giàu truyền thông cách mạng này.

Riêng cây khế trong khuôn viên khu mộ tổ họ Hoàng có nhiều điểm khác biệt với những cây khế khác trong vùng, không kể một mùa nào trong năm cây khế này vẫn đơm hoa kết trái chín mọng.

Ông Hoàng Văn Hồng - con cháu họ Hoàng cho biết: “Cây khế này thường ra quả quanh năm, nấu canh rất ngon. Cả làng chúng tôi thường hái quả từ cây khế này để lót dạ mỗi khi đi cấy cày ở đồng về. Chỉ có quả cây khế này nấu với cua đồng là nước trong veo, không bị đen nước như quả của các cây khế khác”. Điểm khác biệt nữa là toàn thân cây khế mốc mác, hang hốc. Thân cây khế đã rỗng ruột, có thể chứa được 5-7 người ở bên trong. Ngoài thân cây bị rỗng, các cành chính của cây cũng đã rỗng ruột. Tuy nhiên, ở gốc cây khế và các cành cây đều có mầm mới mọc lên.

 img
Một người đang ở trong cái hốc của cây khế

Chính những mầm mới này đã nuôi sống cây và giúp cho vỏ cây không tiếp tục bị mục. Theo cụ ông Hoàng Văn Đa (83 tuổi): “Lúc cha tôi còn sống có kể lại ngày nhỏ thường chơi trốn tìm trong gốc cây khế này, tôi cùng vợ và con đã từng nấp vào gốc khế để tránh những trận bom ác liệt của đế quốc Mỹ “rải thảm” toàn huyện Đô Lương. Do vậy mà những người dân trong họ rất coi trọng cây khế linh thiêng này, họ tôi còn cử người chăm sóc bảo vệ cây… ”.

Các bậc cao niên trong làng Long Thái kể lại rằng, vào những năm chiến tranh, chính gốc cây lim, cây sung và cây khế này là nơi trú ngụ của người dân trong xã khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đồng thời ba cổ mộc này là nơi cất giữ các loại tài liệu mật của Đảng. Riêng cây khế đã từng che chở cho bà Tôn Thị Quế - nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam - qua mắt địch.

Ông Nguyễn Tất Diên - Giám đốc Hội sinh vật cảnh Nghệ An - cho biết: “Theo tìm hiểu thì hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An không có làng nào có thể bảo tồn được những cổ mộc như làng Long Thái, xã Long Sơn, huyện Đô Lương. Hiện tại chúng tôi đã trình lên Hội sinh vật cảnh Việt Nam để công nhận ba “bảo vật” của làng thành cây di sản”.

Quý hiếm, linh thiêng là vậy nhưng từ trước đến nay, ba “bảo vật” này vẫn tồn tại tự nhiên mà chưa có một sự quản lý, chăm sóc của các cơ quan nhà nước. Có chăng chỉ là sự bảo vệ bằng tất cả tấm lòng quý trọng của người dân địa phương và con cháu dòng họ. Thiết nghĩ, Hội sinh vật cảnh Nghệ An, chính quyền địa phương nên sớm đưa ba cây cổ mộc trên trở thành cây di sản để sau này con cháu dòng họ và người dân địa phương biết quý trọng và chăm sóc cẩn thận hơn.

Theo Dòng Đời