Dân Việt

Đảng Cộng hòa giành chiến thắng, kiểm soát toàn bộ Quốc hội Mỹ

05/11/2014 20:06 GMT+7
Với ít nhất 51 ghế đã giành được cho đến thời điểm này, đảng Cộng hòa đã đánh bại đảng Dân chủ của tổng thống Obama để giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014. Tuy nhiên, phe Cộng hòa không thể giành đủ 60 ghế để chiếm đa số tuyệt đối tại Thượng viện Mỹ để có thể tự thông qua các dự luật.
Cùng với chiến thắng tại Hạ viện, phe Cộng hòa sẽ nắm toàn bộ Quốc hội Mỹ, khiến Tổng thống Obama nhiều khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn trong 2 năm nhiệm kỳ còn lại.

img

Cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ.

Dù quá trình kiểm phiếu vẫn chưa kết thúc nhưng với 6 ghế giành được từ 3 Thượng nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm và 3 Thượng nghị sĩ nghỉ hưu, đảng Cộng hòa đã hội đủ tối thiểu 51 ghế để đoạt lại Thượng viện từ tay đảng Dân chủ sau 8 năm chờ đợi.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa không thể giành đủ 60 ghế để chiếm đa số tuyệt đối tại Thượng viện, để qua đó có thể thông qua các dự luật mà không cần quan tâm đến lá phiếu của phe Dân chủ.

Phát biểu trước các cử tri sau khi chiến thắng tại bang Kentucky, ông Mitch McConnell, người được dự kiến sẽ trở thành lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện tuyên bố: “Đây là thời điểm để chuyển sang một hướng đi mới, để xoay chuyển đất nước này. Và tôi sẽ không để các bạn thất vọng".
img Một điểm bỏ phiếu tại Mỹ.

Theo các nhà phân tích chính trị, có 3 yếu tố chính khiến đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử lần này.

Thứ nhất là tỷ lệ cử tri ủng bộ đảng này đi bỏ phiếu thấp hơn so với cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, đặc biệt là các cử tri gốc Phi, gốc Á và Latin, những người đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử năm 2012.

Theo các kết quả thăm dò ý kiến thì có tới 50% cử tri gốc Latin không quan tâm tới bầu cử Quốc hội giữa kỳ. Trong khi đó, các cuộc thăm dò tại địa điểm bỏ phiếu cho thấy cử tri trên 60 tuổi, vốn thiên về đảng Cộng hòa chiếm tới 37%, còn các cử tri dưới 30 tuổi, những người có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ chỉ chiếm 12%.

Thứ 2 là yếu tố lịch sử khi mà chính đảng của Tổng thống đương nhiệm gần như luôn mất ghế trong Quốc hội vào nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống này. Thứ 3 là tỷ lệ ủng hộ đối với cách điều hành của Tổng thống Obama là khá thấp, thường vào khoảng 40%.

Các kết quả thăm dò ý kiến tại địa điểm bỏ phiếu do kênh truyền hình CNN và tờ Thời báo New York tiến hành đều cho thấy phần lớn cử tri Mỹ  không hài lòng, thậm chí bức xúc với cách điều hành của Tổng thống Obama. Có tới 60% cử trí bất bình với cả Nhà Trắng và các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội.

Tuy nhiên theo chuyên gia phân tích chính trị John Fortier, Giám đốc Dự án dân chủ thuộc Trung tâm chính sách lưỡng đảng dù đảng Cộng hòa nắm Quốc hội thì những bế tắc giữa Quốc hội và chính phủ cũng sẽ khó có thể được cải thiện: “Tôi cho rằng sẽ không có gì khác biệt lớn khi mà chính phủ vẫn tiếp tục chia rẽ. Từ năm 2010 cho đến nay, nước Mỹ luôn có Tổng thống thuộc một đảng trong khi ít nhất một phần Quốc hội lại nằm trong tay một đảng khác. Các đảng ngày một phân cực, đồng nghĩa với sự khác biệt ngày một lớn trong vấn đề chính sách. Trong một chính phủ chia rẽ như vậy thì rất khó để các bên hợp tác với nhau.”
img
Giám đốc Dự án dân chủ thuộc Trung tâm chính sách lưỡng đảng John Fortier.

Theo ông Fortier, việc nắm lưỡng viện Quốc hội sẽ giúp tăng thêm quyền lực cho đảng Cộng hòa và khó khăn đầu tiên mà Tổng thống Obama gặp phải là bổ nhiệm nhân sự cấp cao, vốn cần sự phê chuẩn của Thượng viện.

Tiếp theo là phe Cộng hòa sẽ đưa ra những dự luật, hoặc mới hoặc sửa đổi, buộc Tổng thống Obama phải lựa chọn một trong hai phương án: phê chuẩn hoặc phủ quyết, vì ông không còn Thượng viện để làm lá chắn nữa. Dù vậy mọi chuyện cũng không hoàn toàn dễ dàng đối với đảng Cộng hòa khi đảng này không giành đủ 60 ghế tại Thượng viện để chiếm đa số tuyệt đối, và chắc chắn sẽ phải thỏa hiệp trong một chừng mực nào đó với phe Dân chủ.

Bên cạnh đó, 3 Thượng nghị sĩ Cộng hòa là Ted Cruz, Rand Paul và Marco Rubio đang có nhiều khả năng sẽ ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới. 3 Thượng nghị sĩ này mỗi người chắc chắn sẽ phải tự khẳng định mình và do đó đảng Cộng hòa sẽ không dễ dàng tìm được sự đồng thuận ngay trong nội bộ.

Tuy nhiên, ông Fortier cũng khẳng định mối quan hệ giữa chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ không chỉ toàn một màu xám khi hai bên có thể hợp tác trong một số lĩnh vực: “Tôi cho rằng tình hình hiện nay khá thuận lợi đối với thương mại. Tổng thống Obama là người ủng hộ tự do thương mại, một quan điểm tương đồng với đảng Cộng hòa, trong khi một số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ lại tỏ ra không mặn mà lắm. Phe Cộng hòa sẽ hỗ trợ ông trong vấn đề này và đây là lĩnh vực mà tôi nghĩ rằng một Quốc hội Cộng hòa và một Tổng thống dân chủ có thể hợp tác tốt với nhau”.

Tổng thống Obama và phe Cộng hòa cũng có thể tìm kiếm hợp tác về vấn đề thuế khi mà trên thực tế thì cả hai bên đã bắt đầu thảo luận về những biện pháp cải cách lớn về thuế doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama hoàn toàn có thể nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phe Cộng hòa trong một số chính sách đối ngoại như cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo và vấn đề Ukraine.