Xông xáo và sâu sát
Hôm ở trên Cao Bằng, tôi điện cho anh để bàn chuyện mở rộng diện tích trồng cây thạch đen. Tôi thấy anh nói rất sôi nổi, hào hứng. Tôi muốn anh lên thăm Cao Bằng ngay. Nhưng anh nói: “Mình đang nằm ở bệnh viện”. Tôi lo quá nhưng anh bảo: “Làng nhàng thôi, có lẽ họ cần kiểm tra lục phủ ngũ tạng của mình”.
Thiết nghĩ, mọi việc rồi sẽ qua. Tôi lại đi công tác tiếp vào Vinh. Nào ngờ, khi mới từ Nghệ An ra, tiến sĩ Lê Hưng Quốc nhắn tin dữ: “Anh Tạn mất chiều qua”. Tôi hết sức bàng hoàng và xót xa. Thế là chúng ta đã mất đi một người anh, một người thầy rất xuất sắc trong chỉ đạo nông nghiệp.
Đấy là chỗ dựa lớn mỗi khi chúng ta vướng mắc điều gì xung quanh mặt trận này. Bộ óc ấy rất tinh tường, phán đoán rất giỏi, nhận định rất chính xác và luôn luôn kết thúc vấn đề bằng một lời giải cho một bài toán về hiệu quả của công việc đó. Anh nhẩm rất nhanh rồi khẳng định việc đó nên làm hay không nên làm. Khó mà cãi lại được anh.
Hiếm có vị Bộ trưởng Nông nghiệp nào mà làm việc xông xáo và sâu sát được như anh. Anh đi rất nhiều, xuống tận thôn, xóm, sục sạo các trang trại và vườn tược, hỏi từng người dân, đếm từng bông lúa. Anh đặc biệt quan tâm tới ý kiến của các nhà khoa học. Anh luôn đặt câu hỏi cho mọi người cùng tranh luận.
Anh không giấu những vấn đề mình chưa hiểu, anh đề nghị giải thích cho anh thật cặn kẽ. Tôi chỉ đáng là học trò của anh nhưng anh lại thường xuyên tham khảo ý kiến. Có hôm, anh gọi điện cho tôi tới 4-5 lần, mỗi lần lại đặt ra một câu hỏi. Anh muốn biết ý kiến của mọi người. Tôi rất thích tác phong làm việc ấy.
Anh Tạn luôn quan tâm tới các vấn đề mới mà có nhiều triển vọng. Hầu hết các ngành nghề mà tôi đang hướng dẫn cho bà con, khi biết tin, anh đều đến thăm như: Nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi giun đất, nuôi nhím, nuôi lợn rừng, nuôi cầy hương, trồng mắc ca, trồng bơ, trồng cam chanh không hạt, trồng bông giống mới...
Anh hỏi cặn kẽ những người dân và luôn khuyến khích họ sản xuất. Anh không câu nệ về hình thức và luôn chan hòa với bà con. Ai gặp được anh cũng thích. Có lần, tôi mời anh đi thăm cơ sở nuôi vịt trời, anh đồng ý ngay. Tôi và anh Dương (Cục phó Cục Chăn nuôi) đưa xe tới đón.
Anh thoải mái lên xe đi ngay khi đang quần soóc và dép lê. Nghe tin nguyên Phó Thủ tướng lên, Tỉnh ủy điện và mời anh vào Tỉnh ủy. Anh từ chối: “Hôm nay tớ đi thăm vịt trời chứ có định vào chỗ các ông đâu”. Anh Dương nói vui: “Ta có đi thi hoa hậu đâu mà “cụ” mặc quần ngắn thế này”. Tất cả chúng tôi cùng cười. Tính anh Tạn là thế, rất đơn giản, không cầu kỳ, dễ chan hòa với dân và luôn sát bà con.
Một lần khác, tôi đưa anh lên thăm vùng trồng bông giống mới ở Sơn La. Tuy đường xa nhưng khi tới nơi là anh leo luôn lên nương, đi băng băng. Anh đếm số quả bông trên từng cây, tìm hiểu kỹ vấn đề sâu bệnh. Anh rất mừng với kết quả mà giống mới đạt được. Anh trao đổi cặn kẽ với bà con và động viên họ. Dân vây kín xung quanh, họ hỏi đủ thứ. Anh vui vẻ giải đáp từng vấn đề. Bà con thích lắm... Tôi nghĩ, nhiều Bộ trưởng khác không có được tính quần chúng như anh.
Dám nghĩ và dám làm
Rất nhiều giống vật nuôi và cây trồng tốt đã được anh đưa từ nước ngoài về. anh đi nước nào mà có cái gì hay là nghĩ ngay tới việc đưa về cho Việt Nam. Nhiều giống gà và đà điểu do anh đưa về đã được phát triển mạnh ở nông thôn. Anh rất quan tâm tới cây mắc ca. Chính anh là người đầu tiên đưa mắc ca vào Việt Nam. Anh đã cùng chúng tôi đi lên Tây Bắc và vào tận Tây Nguyên để kiểm tra các cơ sở đã trồng mắc ca. Anh nuôi hy vọng, Việt Nam sẽ thành một cường quốc về trồng mắc ca...
Tính anh Tạn rất thẳng thắn và khảng khái. Anh thích tranh luận đến nơi đến chốn các vấn đề còn đang tranh cãi. Chính anh là người đi đầu trong việc tổ chức trồng lúa lai ở Việt Nam. Nhiều ý kiến ì xèo nhưng anh vẫn quyết tâm. Vì vậy, lúa lai mới phát triển mạnh được ở ta.
Anh đọc nhiều, biết rộng và cũng tham gia viết nhiều cuốn sách về khoa học và phổ biến kiến thức. Anh rất giỏi tiếng Trung Quốc nên khai thác được nguồn thông tin khổng lồ của họ. Khi phát hiện được vấn đề gì mới là anh lao vào áp dụng ngay. Anh cho tôi xem tập tài liệu anh đang viết về cây thạch bộc.
Anh cho biết, nó rất quý. Anh hy vọng, dân ta sẽ sản xuất được nhiều cây thạch bộc để cung cấp cho thị trường trên thế giới. Anh đưa chúng tôi đi tham quan nhiều cơ sở sản xuất ở miền Nam Trung Quốc. Anh mong muốn, mỗi chuyến đi phải học thêm được một điều gì mới lạ để mang về cho đất nước. Anh Tạn còn luôn quan tâm tới việc bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ. Ai tài giỏi, anh đều tìm cách nâng đỡ. Rất tiếc, có những người được anh ưu ái đưa lên nhưng lại sớm thui chột mặt tích cực. Anh rất buồn và hối tiếc.
Tầm chiến lược của anh về phát triển nông nghiệp rất rõ ràng. Chúng tôi luôn dựa vào ý kiến của anh để tập trung nghiên cứu các nội dung thiết thực...
Mất anh là mất cả một kho tàng kinh nghiệm phong phú trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Chúng ta hy vọng, sẽ có nhiều vị lãnh đạo học tập và làm theo phong cách của anh!