Với kinh nghiệm của người cả một đời cống hiến trong quân ngũ, tôi nghĩa rằng quân đội ta luôn đi trước một bước so với tình hình thực tiễn. Qua chiến đấu ở chiến trường, theo quan sát của tôi, những tân binh 18 - 20 tuổi có tỷ lệ hy sinh thường cao hơn những người lính già quen trận mạc, vì tâm lý tân binh thường không vững. Lính trẻ có ưu điểm là tinh thần xung phong hăng hái, nhưng đánh trận chỉ hăng hái chưa đủ, mà phải là người bình tĩnh, biết cách xử trí.
Hồi chúng tôi ở chiến trường miền Nam, có những trận bị địch bắn đạn bay như vãi trấu, lính trẻ thì cứ nhao lên chạy hoặc tấn công lại, còn lính già thì bình tĩnh nghe ngóng, đợi cho địch hết hăng máu mới xông ra tiêu diệt, và tỷ lệ thương vong của lính già bao giờ cũng thấp hơn lính trẻ rất nhiều. Nếu độ tuổi nhập ngũ tăng lên đến 27, chúng ta sẽ tuyển được những quân nhân có độ chín về tâm lý, khi ra trận chiến đấu sẽ vững vàng hơn và giành thắng lợi sẽ cao hơn.
Cựu chiến binh Lê Xuân Lương (62 tuổi, ở xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh)
Quân nhân tại ngũ thêm 6 tháng là rất tốt, trước hết là càng ở lâu bộ đội càng có kinh nghiệm. Tôi chỉ lấy một ví dụ, để đưa được một quân nhân ra Trường Sa làm công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, nói chung là tốn kém vô cùng, từ công tác tuyển chọn huấn luyện, sau đó phải đưa họ ra đảo, rồi huấn luyện tiếp 3 tháng tân binh làm quen với địa hình địa vật, tổng thời gian huấn luyện đã lên tới gần 1 năm rồi, lúc ấy bộ đội mới tự tin để đối phó với mọi tình huống.
Nếu thời hạn nghĩa vụ quân sự chỉ 18 tháng sẽ rất phí công huấn luyện, tốn kém tiền của Nhà nước mà bản thân người chỉ huy cũng không được chủ động trong huấn luyện và tác chiến. Hơn nữa, so với cuộc đời của một con người thì ở thêm 6 tháng trong quân ngũ cũng chẳng thấm tháp vào đâu với quãng đời lao động và làm việc của chúng ta. Vì vậy chúng tôi ủng hộ cao việc tăng thời hạn tại ngũ của quân nhân thêm 6 tháng.
Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (quản lý toàn bộ quần đảo Trường Sa)
Rất ít người đã được rèn luyện qua quân ngũ mà phạm tội. Quân đội là một trường học rất tốt để rèn về nhân cách, lối sống và cả những chuẩn mực xã hội. Chúng ta nên ủng hộ việc mở rộng đối tượng tuyển quân, tăng tuổi nhập ngũ và thời gian tại ngũ của thanh niên, đó cũng là cách để làm giảm tỷ lệ người phạm tội ở bên ngoài xã hội trong tương lai. Hơn nữa, quy định như thế thể hiện trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc.
Thạc sĩ xã hội học Bùi Thanh Bình - chuyên nghiên cứu xã hội học tội phạm