Dân Việt

Người lính đưa lúa nước lên đại ngàn Trường Sơn

Phan Phương 08/11/2014 08:50 GMT+7
Bà con người Vân Kiều, Ma Coong, Rục và Mày trên dãy Trường Sơn hùng vĩ bảo rằng, họ tự tay trồng được cây lúa nước, dần tự chủ được nguồn lương thực là nhờ công của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Đặc biệt là thượng úy Phạm Xuân Ninh- người lính suốt 6 năm bám bản, lội ruộng cùng bà con.

Những cánh đồng lúa mới

Đầu tháng 11.2014, chúng tôi trở lại cánh đồng Rục Làn của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Đây là vụ lúa thứ 2 mà đồng bào Rục tự tay làm lấy cây lúa nước mà không cần bộ đội “cầm tay chỉ việc” nữa. Nông dân Trần Trung Trực ở bản Yên Hợp tự hào khoe: “Vụ vừa rồi nhà miềng làm 4 sào ruộng, thu được gần 1 tấn lúa, đủ cho cả nhà ăn cả năm không còn lo cái đói. Mừng lắm! Tất cả là nhờ bộ đội biên phòng, bộ đội Ninh dạy cho cách làm đó”.

img Thượng úy Phạm Xuân Ninh đang hướng dẫn đồng bào Rục giặm lúa nước.   Phan Phương

Cánh đồng này đã in đậm dấu chân những người lính biên phòng Đồn cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đặc biệt là cá nhân thượng úy Phạm Xuân Ninh đã ngày đêm bám bản, bám đồng ruộng, cầm tay chỉ việc cho đồng bào nơi đây làm quen với cây lúa nước.

“Người Rục bước ra từ hang đá, lúc đầu là trồng cây lúa, cây sắn trên rẫy và chừ là cây lúa nước, tất cả đều nhờ bộ đội dạy cho hết, từ cách làm đất, đến cách ngâm ủ hạt giống, chăm bón như thế nào để cây lúa tốt tươi; hướng dẫn từng đường cày, đường cấy ở trên cạn rồi xuống nước. Người Rục miềng chậm hiểu, chậm tiếp thu, bộ đội Ninh cũng chưa khi mô nản lòng cả, tận tụy bám bản bám ruộng giúp bà con đến khi tự mình làm được mới thôi…”– ông Trực kể.

Không riêng gì ông Trực, nhiều bà con người Rục, người Bru Vân Kiều, người Ma Coong và bây giờ là người Mày khi gặp chúng tôi đều bảo rằng, họ tự tay làm được cây lúa ơn ấy là nhờ các chú bộ đội biên phòng, đặc biệt là bộ đội Ninh đã tận tình chỉ dạy…

Bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) cũng đang bước vào vụ gặt. Vụ đầu tiên người Mày ở Ka Ai trồng lúa nước nhưng năng suất đã đạt hơn 4 tấn/ha. Được mùa ngay vụ lúa đầu tiên, đồng bào người Mày nơi đây vui một thì với thượng úy Phạm Xuân Ninh niềm vui đó được nhân lên gấp mười lần vì nếu vụ lúa nước đầu tiên mà không thành công thì đồng bào sẽ nản, mất lòng tin vào bộ đội. Với tâm niệm và quyết tâm đó nên đến cánh đồng ở bản Ka Ai (là cánh đồng thứ 4 thượng úy Phạm Xuân Ninh được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giao trọng trách thực hiện), anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lấy được lòng tin tuyệt đối của đồng bào.

Tạm gác việc trăm năm

Gắn bó với những cánh đồng lúa nước của đồng bào các dân tộc bên dãy Trường Sơn, nhiều lần vì nhiệm vụ và tình thương yêu đồng bào mà Ninh đã phải tạm gác lại những công việc hệ trọng nhất của cuộc đời…

Thượng úy Ninh kể, sau gần 10 năm yêu nhau, anh và người yêu đã ấn định ngày tổ chức đám cưới vào cuối năm 2009. Đúng thời điểm ấy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tổ chức trồng lúa nước giúp đồng bào bản Tân Ly, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy). Đây là dự án lúa nước đầu tiên của bộ đội nhằm tìm ra phương thức sản xuất giúp đồng bào vùng biên giới thoát khỏi nghèo. Phạm Xuân Ninh lúc đó là kỹ sư nông nghiệp trẻ được Bộ chỉ huy tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bộ đội và đồng bào. Việc cưới vợ phải chuẩn bị nhiều ngày, trong khi trồng lúa nước “nhất thì, nhì thục”, nếu làm không đúng thời vụ sẽ thất bại, mọi cố gắng, công sức của bộ đội và dân bản sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Suy nghĩ ấy khiến Ninh nhanh chóng đi đến quyết định lùi việc cưới vợ đến năm sau để đi trồng lúa giúp đồng bào, trước sự nghi ngại của người thân hai bên gia đình.

Một lần khác, khi đang chuẩn bị xuống giống cho bà con người Rục ở cánh đồng Rục Làn, Ninh nhật được điện thoại báo vợ sắp sinh. Một lần nữa Ninh lại phải xin lỗi vợ vì không thể về được vì công việc đang rất khẩn trương, bản thân anh không thể vắng mặt. Thế là vợ anh phải “vượt cạn” một mình, đứa con gái của anh chào đời mà không có bố bên cạnh.

Xóa đói vùng biên cương

Quan điểm

Đại tá Nguyễn Văn Phúc • Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình
 Thượng úy Ninh đã làm tốt công tác tuyên truyền và chỉ dạy kỹ thuật cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới tham gia làm lúa nước, có thể đánh giá các dự án trên đều có những thành công bước đầu, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây”. 
Tại Quảng Bình, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung tại 15 xã dọc theo dãy Trường Sơn thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc nơi đây vốn quen với phương thức canh tác "chặt, đốt, cốt, trỉa". Chính vì vậy, để giúp đồng bào làm quen được với cây lúa nước không phải chỉ ngày một ngày hai. Thượng úy Ninh kể rằng, hồi anh hướng dẫn cho người Ma Coong bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch làm vụ lúa nước đầu tiên đã gặp chuyện cười ra nước mắt. Vốn chỉ biết làm lúa rẫy, nên khi hướng dẫn bà con làm lúa nước thì phải bắt đầu bằng việc vận động người dân làm thủy lợi, sau đó bộ đội tiếp tục làm đất và gieo cấy cho bà con xem. Đến thời kỳ thu hoạch, bộ đội khuyên người dân ra đồng gặt lúa, nhưng họ không chịu. Có người còn nói: “Lúa của cán bộ xã và của bộ đội chứ có phải của dân bản đâu mà gặt”. Bộ đội phải giải thích rằng, đó là lúa của bà con, bộ đội và cán bộ xã chỉ giúp ngày công và hướng dẫn cách làm thôi...

Theo Ninh, để cho đồng bào có thể tự tay làm cây lúa nước, những người lính biên phòng phải mất ít nhất 2 vụ lúa tự tay làm lấy. Nghĩa là những vụ lúa đầu tiên ấy, chỉ có bộ đội làm còn đồng bào thì chỉ “xem” bộ đội làm như thế nào…

Hiện nay, những cánh đồng lúa nước Tân Ly, Lâm Ninh, Trung Sơn, Chăm Pu, Rục Làn, Cà Xen, Ka Ai đã cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình những hạt gạo dẻo thơm. Dù chưa hết khó khăn song những hạt lúa mà bà con được tự tay làm ra đã mang lại niềm tin vững chắc trong hành trình xóa đói nghèo nơi vùng biên cương này…