Yếu toàn diện
VN có tổng đàn heo nái đứng thứ 4 thế giới (gần 5 triệu con). Lẽ ra với số lượng heo nái như vậy, VN phải là nước xuất khẩu thịt heo ra thị trường thế giới. Thế nhưng cho đến nay con heo của chúng ta vẫn chỉ loay hoay ở thị trường nội địa bởi không đủ tiêu chuẩn và sức cạnh tranh xuất khẩu.
Trước tiên là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Hiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và diễn ra nhiều hàng năm trong ngành chăn nuôi. “Dịch bệnh còn nhiều chính là rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi VN khi gia nhập vào TPP. Bởi khi dùng thuốc chữa bệnh sẽ vi phạm tiêu chuẩn về kháng sinh của các nước. Vấn đề môi trường chúng ta cũng chưa đảm bảo cho yêu cầu xuất khẩu ” – ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận thực trạng.
Kế đến, sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi của VN so với các nước khác trong TPP là hoàn toàn không có. Bởi so từ con giống đến công nghệ nuôi, trình độ chăn nuôi của VN đang ở mức thấp nhất trong toàn khối TPP nên giá thành sản xuất ra cao ngất ngưởng so với các nước.
Chẳng hạn về con giống, hiện các nông hộ, trang trại hay DN chăn nuôi VN đều phải sử dụng nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài về hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài. Bởi các loại giống trong nước chất lượng kém, năng suất thấp và khả năng chống chịu bệnh tật kém.
“Hiện nếu ở Mỹ, Canada,… sản lượng sinh sản của một con heo nái là 30 thậm chí 35 heo con/năm thì ở VN đạt chưa tới 20 con/năm. Ngoài ra do VN chăn nuôi nhỏ lẻ, dịch bệnh nhiều nên giá thành nuôi luôn cao hơn các nước. Hiện ở Mỹ giá heo hơi bán có 30.000 đồng/kg, trong khi ở VN là hơn 50.000 đồng/kg thì hỏi sao mình cạnh tranh lại? Bên con bò, con gà cũng vậy. Hiện bò Úc nhập khẩu vào VN chỉ khoảng 2,2 - 2,4 USD/kg, tương đương 46.000 – 50.000 đồng/kg thịt hơi, trong khi giá thịt bò hơi tại VN là tới 70.000 – 80.000 đồng/kg” – ông Vang chỉ ra những yếu kém trong cạnh tranh.
Không “bơi” sẽ chết
Có thể nói ngành chăn nuôi của VN đang đứng trước viễn cảnh: Nước không phải tới chân mà đã tới trán, nếu không bơi nhanh và mạnh để tiến lên thì sẽ chết. Bởi khi gia nhập TPP, các hàng rào thuế quan bảo hộ đã bị dỡ bỏ hoàn toàn.
“Hiện nay thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thịt vào VN ở mức tương đối cao: Thịt bò từ 14 – 30%; thịt lợn từ 15 – 25%; thịt gà từ 15 - 40%; các loại thịt khác cũng từ 5% trở lên. Tuy nhiên trong thời gian tới có thể hàng rào bảo hộ trên sẽ không còn, khi TPP được ký kết. Lúc đó, thuế nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu sẽ bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước sẽ chịu tổn thương nặng nề” – ông Tống Xuân Chinh- Cục phó Cục Chăn nuôi, lo lắng. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, trong cuộc chơi TPP, VN không thể kéo các quốc gia trên bàn đàm phán về tiêu chuẩn thấp của mình. Chính vì thế, chỉ còn một con đường duy nhất là tiến lên để bắt kịp với thế giới. “Khi gia nhập TPP, chúng ta sẽ có lợi thế khi nước ngoài đầu tư vào nhiều, sẽ đem công nghệ chăn nuôi cao của họ du nhập vào VN. Từ đó giúp cho nền chăn nuôi nước nhà phát triển. Ngoài ra không chỉ họ được hưởng thuế suất bằng 0 mà chúng ta cũng được hưởng thuế suất ấy khi nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống, máy móc, chuồng trại, công nghệ… Khi đó giá thành chăn nuôi cũng sẽ giảm tương ứng khi chúng ta đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ chế biến, gia tăng các sản phẩm giá trị gia tăng” – ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đưa ra giải pháp.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng ngành chăn nuôi VN còn có lợi thế là thói quen tiêu dùng của người dân thích ăn thịt nóng và gà vườn, thịt vịt. Bởi thế VN sẽ còn một độ lùi để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành theo hướng chăn nuôi hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: “Phương thức nuôi sẽ chuyển qua trang trại và nông hộ chuyên nghiệp, tổ chức thành chuỗi chăn nuôi. Cụ thể là gom các nông hộ lại thành hợp tác xã, đưa vào Hiệp hội để sản xuất với quy mô lớn rồi liên kết giết mổ, tiêu thụ với các DN thành chuỗi sản xuất khép kín”.