Ô nhiễm trầm trọng
Được biết, huyện Nam Trực có khoảng 17 làng nghề, trong đó 13 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống năm 2012. Mặc dù được công nhận, song hầu hết các làng nghề đều sản xuất thủ công, không có hệ thống xử lý chất thải, nên ngày càng gây ô nhiễm trầm trọng như làng nghề tái chế, đúc, mạ nhôm, đồng Vân Chàng, Đồng Côi (thị trấn Nam Giang), Bình Yên (xã Nam Thanh)…
Theo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Nam Trực, hiện mỗi ngày làng nghề Vân Chàng sử dụng khoảng 300 tấn than, 112,5 tấn hóa chất tẩy rửa như axít, xút… hầu hết các nước thải này đều thải trực tiếp ra môi trường, lắng đọng nhiều năm nay, nên hệ thống nước mặt và nước nguồn ở đây ô nhiễm rất nặng. Hiện nay 100% giếng nước đều ô nhiễm, kể cả giếng khoan. Gần đây, làng nghề đã được đầu tư “khu xử lý nước thải tập trung” nhưng bể chứa có hạn, trong khi đó lượng nước thải ra hàng ngày quá lớn, chảy lênh láng khắp thị trấn.
Tại làng nghề tái chế, sản xuất nhôm Bình Yên, nước thải từ làm mát khuôn đúc, nhúng rửa các sản phẩm nhôm nhiệt độ cao có hàm lượng crôm, xút nồng độ cao nhưng không được xử lý mà chảy trực tiếp ra ao, kênh mương. Ngoài ra, một lượng lớn xỉ lò sau khi đốt, không có bãi đổ nên các hộ đổ tràn lan dọc hai bên đường, khi gặp trời mưa thì trôi tuột xuống sông gây ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy.
Dẫn chúng tôi ra một con mương dẫn nước thải ở thị trấn Nam Giang, ông Nguyễn Văn Toàn bức xúc nói: “Anh nhìn đấy, nước thải hầu như chưa được xử lý. Ở đây chúng tôi không chỉ chịu ô nhiễm về nguồn nước, mà còn phải chịu ô nhiễm về không khí, tiếng ồn, ô nhiễm nhiệt độ… do đó những năm gần đây có rất nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp, đường ruột, rồi ung thư…”.
Dân “khát” nước sạch
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Trực thừa nhận thực trạng ô nhiễm hiện nay ở một số làng nghề của huyện, đặc biệt là tại làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi. Được sự hỗ trợ của Thụy Sĩ, huyện đã lắp được 141 ống khói cho các hộ nhúng rửa sản phẩm, đúc nhôm, hỗ trợ 195 hộ xây ống khói, hố ga, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm vẫn còn rất nặng nề.
Cả huyện hiện có 3 nhà máy cung cấp nước sạch, nhưng công suất đều nhỏ, hơn nữa thường xa nhà dân, chi phí xây lắp đường ống rất lớn, nên nhiều hộ muốn dùng nước sạch cũng khó, buộc phải khoan giếng lấy nước bơm lên bể lọc để sử dụng, dù khu vực này nước mặt, nước ngầm ô nhiễm rất nặng. Chị Lê Thị Hồng ở xã Nam Thanh lo lắng: “Làng nghề thì vô tư xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng người dân bắt buộc vẫn phải dùng, vì không có nước máy. Gần đây ở xã có rất nhiều người chết vì ung thư, mặc dù nước đã được lọc lại 2 – 3 lần, nhưng tôi vẫn không yên tâm”.