Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Canh Thìn, năm thứ ba (1580). Tháng 8, mùa thu, (vua) lại mở khoa thi hội (…) Nhà vua sai chia làm tam giáp, ban cho bọn Nguyễn Văn Giai và Phùng Khắc Khoan sáu người được đỗ tiến sĩ xuất thân và tiến sĩ đồng xuất thân có khác nhau”.
Với học vị tiến sĩ, Nguyễn Văn Giai vào triều làm quan. Bản tính ngay thẳng, cứng rắn, nên đến bọn quyền thần đều ngại tiếng ông. Thậm chí, chúa Trịnh thời này quyền to là thế, cũng phải kiêng dè.
Quan lại thời phong kiến (ảnh mang tính minh họa cho bài viết, Nguồn: Internet).
Nhưng rồi có chuyện, khiến ông há miệng mắc quai, Sách Tang thương ngẫu lục cho biết, dạo ông làm chưởng quản Lục bộ, có vị Quận mã là con rể chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623) khi ra trận đánh giặc thua chạy, bị ông bắt bỏ ngục, rồi chiểu theo luật khép tội tử hình. Chúa Trịnh thương con rể, muốn tha nhưng không biết phải làm thế nào cho phải.
Lúc này, Nguyễn Văn Giai có tới mấy bà vợ, duy có bà vợ thứ ba được ông cưng yêu nhất. Bà Quận chúa bèn đem châu ngọc tới thăm bà này và kể việc Quận mã. Nghe xong lúc đầu bà này từ chối, nhưng Quận chúa nài nỉ mãi, bà xiêu lòng, bày cách:
- Nếu vậy sáng mai, Quận chúa cho đem một con lợn nhỏ luộc chín, một mâm xôi nếp cái, kèm cả tương giấm, dao thớt nữa, lựa lúc tướng công tôi đi vắng thì đưa vào.
Một vị tiến sĩ thời xưa (ảnh mang tính minh họa cho bài viết, Nguồn: Internet).
Bởi bà vợ này hiểu ý chồng, trong các món ăn chỉ có thịt lợn chấm với tương là ông chưởng quản Nguyễn Văn Giai thích nhất, ăn mãi không chán. Hôm sau, vội lên kiệu vào triều lại thấy chiếc lồng bàn đậy cơm, bèn mở ra, lại sẵn có dao thớt bên cạnh, ông thái thịt nhúng tương ăn với xôi. Chỉ một hơi đã hết sạch.
Đến khi ăn xong, ông mới nhớ, về hỏi vợ. Bà Ba lúc bấy giờ mới kể nguồn cơn. Nghe xong, ông bực lắm, cau mày, bóp trán mãi không thôi. Một hồi lâu mới nói: Ta lỗi lầm rồi! Nhưng vì một bữa no mà làm sống một mạng người, chẳng cũng vì trời đó sao!
Nói xong, ông liền lên kiệu vào phủ, xin tha cho Quận mã đang nằm trong đề lao. Chúa Trịnh nghe xong, mừng lắm, cho thi hành lệnh ngay. Nhờ đó mà vị Quận mã mới thoát khỏi nạn rơi đầu. Còn ông Giai dù cứu một mạng người, nhưng cũng lấy làm áy náy vì món lợn chấm tương lắm, nên từ đó theo tương truyền, ông bỏ hẳn món ăn ưa thích ấy.
Vì một miếng ngon, phải làm trái với lương tâm, bởi há miệng mắc quai, biết làm sao khác được. Bài học ấy vẫn còn mãi giá trị cho việc đối nhân xử thế vậy!