Cũng theo sách đã dẫn cho biết: Một vụ án lớn xẩy ra vào năm Canh Ngọ (1150) khiến gần 30 người chịu cảnh máu chảy đầu rơi. Nguyên nhân là khi vua còn trẻ thơ, Đỗ Anh Vũ có quyền bính trong tay, được ra vào cung. Vì vậy, Anh Vũ có cơ hội tư thông với Lê thái hậu (mẹ vua). Cũng vì quan hệ bất chính với Thái hậu, quyền lực của Anh Vũ càng lớn, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, nhưng sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người không ai dám nói. Trước cảnh này, Quan điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Cát Đái, chức hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá với nhiều đại thần đã hợp mưu bắt giam Anh Vũ để xét xử theo phép nước. Đứng trước tội chết nhưng vì Thái hậu xót người tình tìm cách đút tiền cho quan lại xét xử và nói khéo vua chỉ xử Anh Vũ đi đày.
Trong thời gian Anh Vũ bị đi đày, Thái hậu lo buồn, cố nghĩ cách để phục hồi chức tước cho Anh Vũ. Bà Thái hậu bèn nghĩ cách mở hội lớn nhiều lần để vua ân xá cho tội nhân, mong rằng Anh Vũ cũng được dự vào đấy. Anh Vũ sau nhiều lần được ân xá tội lại được phục chức thái úy như cũ. Sau lần chết hụt này, Thái uý Anh Vũ càng được Thái hậu tin dùng hơn, càng có cơ hội để làm oai làm phúc, sát hại mọi người, lúc nào sự thù hằn cũng lộ rõ ra ngoài.
Cũng vì mối thù với quan Vũ Cát Đái và nhiều đại thần từng hợp mưu bắt ông, nên Thái uý Vũ đã nghĩ kế để rửa hận. Anh Vũ tâu với vua rằng: "Trước kia bọn Vũ Cát Đái tự tiện đem cấm quân xông vào tận cung đình (lần lập mưu bắt Anh Vũ), tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường trước được. Vua chẳng biết gì cả, bèn y lời tâu. Anh Vũ sai quân thân tín đi bắt bọn Vũ Cát Đái giam vào ngục để trị tội.
Những người tham gia vào việc bàn mưu bắt Anh Vũ xưa đều chịu án nặng. Trong đó, nội thị là bọn Đỗ Ất gồm 4 người bị cưỡi ngựa gỗ (đem đóng đinh lên ván, bêu ở chợ rồi sau mới tùng xẻo da thịt), bọn hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn điện tiền đô chỉ huy Vũ Cát Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông.
Mới hay ba tấc lưỡi và lòng dạ của đàn bà cũng có sức mạnh nghiêng thành đổ nước, khiến bao mạng người trung nghĩa oan thác. Có điều việc làm của họ không thoát khỏi được ngòi bút chính trực của các sử gia. Có vậy, hôm nay hậu thế mới tận tường chuyện tày đình ở chốn cung nội thâm nghiêm thời phong kiến ngày xưa.
XEM THÊM: Chọn đất “huyệt phát” và chuyện triều chính của chúa Trịnh