Bài I: Ký ức không phai về con voi độc đàn
Có mặt tại huyện Sông Mã tỉnh Sơn La vào những ngày đầu tháng 10, đúng thời điểm con voi rừng cô độc lại về quấy phá đời sống và sản xuất của người dân nơi đây, trong phòng làm việc của Hạt kiểm lâm huyện, anh Đào Văn Tưởng, hạt trưởng đang chỉ đạo các kiểm lâm viên xuống bám nắm địa bàn, cùng với xã lên kế hoạch bảo vệ voi, tuyên truyền người dân không trêu đùa, tránh xa voi dữ; đồng thời báo cáo tình hình thiệt hại do voi gây ra.
Thấy tôi, anh Tưởng lắc đầu: Mệt lắm bác ạ. Liên tục mấy năm nay rồi, cứ đến hẹn lại lên, đúng mùa sản xuất của bà con là voi lại về quấy phá. Địa bàn thì rộng, dân trí còn hạn chế nên việc bảo vệ voi và người dân thật vất vả bởi con voi này không chịu ẩn trong rừng sâu mà cứ nhằm khu quanh dân cư để mưu sinh. Nó chính là con voi mà hơn 10 năm trước đã quật chết người ở xã Phiêng Cằm. Khi ấy em đang là kiểm lâm phụ trách địa bàn, đã đưa bác và phóng viên báo Lao Động đi săn tìm trên dãy núi Huổi Nhả…
Tôi “à” lên một tiếng, đầu thoáng hiện lại cảnh lần theo dấu voi rừng ở xã Phiêng Cằm vào mùa hè năm 2003. Khi ấy con voi này còn bé, chỉ nặng khoảng hơn 2 tấn – theo cách ước tính của cán bộ kiểm lâm khi đo chiều cao cành cây mà lưng voi quệt vào khi di chuyển. Đó là một con voi cái nhưng mức độ hung dữ và tinh khôn thì đã vào bậc có thứ hạng.
Người Mông, người Thái ở xã Phiêng Cằm vốn đều là những thợ săn thú rừng lão luyện và bản lĩnh rất cao. Cuộc sống nơi rừng sâu, núi thẳm cũng tạo ra cho người dân vùng này một sự bấp chấp mạnh mẽ trước những hiểm nguy của tự nhiên, của thú dữ. Với họ, thú càng dữ, thú càng to thì đơn giản là càng nhiều người săn và được nhiều thịt. Mà voi thì lại càng quý bởi dẫu không có ngà thì lông đuôi, nước đái, răng voi, da voi… đều là vật hiếm và có giá, còn thịt voi thì ít ra cũng đủ cho cả họ ăn uống no say cả tuần. Đấy là chưa nói đến chuyện con thú nào gây thù chuốc oán với dân bản. Nhưng con voi này đã quật chết một người Mông trước sự chứng kiến nhiều người, nếu không tìm và chụp được ảnh nó sớm thì dễ xảy ra trường hợp nó biến mất vĩnh viễn mà không ai biết lý do – tôi đã nghĩ vậy.
Ấy vậy nhưng chỉ sau mấy ngày con voi về đây, bản lĩnh “độc lập tác chiến” với bề dày kinh nghiệm săn bắt bao đời truyền lại của các thợ săn biến mất, thay vào đó là vẻ sợ sệt, lo âu bởi “bà voi này tinh khôn lắm. Hễ ai chửi hoặc nói xấu bà là không bị truy sát thì cũng về tận nương, tận vườn phá nát để trả thù” – câu nói này khi ấy thành tiếng nói chung của người dân Phiêng Cằm chứ không còn của riêng ai nữa. Mà khi nói câu này với chúng tôi, hầu hết người dân chỉ dám nói thì thào chứ ít ai dám nói to như sợ gió đưa lời tới tai “bà” thì khốn.
Sau khi bà voi quật chết người, có anh cán bộ xã đội của xã này chẳng biết nghe ai xui đi lấy nước đái của “bà” về sẽ bán được tiền, liền mang xô đi tìm “bà”. Thấy “bà”, hứng được nước đái nhưng sau đó “bà” đuổi cho chạy về tới ủy ban xã mà quần áo rách nát như mặc vỏ cây. Hàng chục hộ ở đây vì lúc đầu chưa biết cứ chửi mắng, hò hét giết "bà", thế là hôm sau lên nương, thấy nương nhà mình bị dẫm nát hết. Người nọ bảo người kia, thế là ai cũng nể sợ “bà”...
Đi lùng voi, bị voi đuổi bạt vía
Chính tôi khi ấy, với sự giúp sức của 2 kiểm lâm viên, 7 dân quân xã với đầy đủ súng ống đi theo hỗ trợ để tìm gặp voi rừng. Nhưng đến đâu cũng chỉ thấy dấu chân voi, may mắn hơn thì gặp đống phân voi to như cái chum kiệu chứ bóng dáng voi chả thấy đâu cả. Người dân Phiêng Cằm bảo: “Bà ấy khôn lắm. Biết nhà báo đến tìm nên trốn trong rừng, đêm mới mò về quanh bản kiếm ăn”.
Lực lượng kiểm lâm huyện Sông Mã tuần tra theo dấu voi rừng để bảo vệ voi và sự an toàn của người dân trên địa bàn.
Khi ấy tôi cũng thấy hoang mang: chả biết con voi có thiêng thật không nhưng mình săn nó ráo riết vậy, con voi to thế, dấu chân ở khắp nơi mà sao mình tìm mãi không gặp? Sang chiều ngày thứ 2, khi lên đến gần đỉnh dãy núi Huổi Trạng (Núi Voi), đang ngồi nghỉ ngơi thì thấy có tiếng cây gãy ào ào phía trên đồi; nhìn mấy anh dân quân mặt tái mét, tôi biết mình đã gặp voi, vội hô cả đoàn bám theo. Khi con voi phát hiện thấy người lạ đuổi bám, nó quay lại phục chúng tôi. Thật may mà tôi phát hiện được cái vòi voi thò ra từ sau bụi cây nên cả đoàn kịp dừng lại, không ai bị voi túm sống.
Phục bắt chúng tôi không được, con voi thủng thẳng bỏ đi ngược lên đỉnh núi, tôi chỉ kịp giơ máy ảnh bấm vội vài kiểu từ phía sau lưng voi. Thấy tiếng nổ cò máy ảnh (máy cơ), con voi quay ngoắt lại đối phó làm cả đoàn phải nằm bẹp xuống tránh sau những lùm cây thấp. Thế rồi phốc một cái, nó nhảy phắt vào một lùm cây, biến mất. Nhưng chỉ dăm phút sau đã nghe tiếng cây đổ bên sườn núi phía bên phải, một dân quân bản Huổi Nhả hét lớn: “Nó đi vòng thúng đón đầu mình đấy, chạy đi…”. Thế là tất cả lao xuống núi, mạnh ai nấy chạy, chẳng còn ai bảo vệ ai, đến đêm mới tập hợp đủ người. Tất cả thở phào, giải tán.
Đêm ấy ngủ nhờ một gia đình ở bản Noong Tàu Thái, tôi và phóng viên Lê Anh Tuấn chẳng dám nói to, lòng thắc thỏm không tài nào ngủ được. Mỗi tiếng động ngoài vườn đều làm tôi giật mình, căng mắt ngó ra, tư thế sẵn sàng phóng ra cửa tháo thân. Quá nửa đêm, thấy tiếng động bên phía giường chủ nhà, thì ra cả 2 vợ chồng họ cũng không dám ngủ. Thế là cùng thức.
Ông chủ nhà thì thào kể: Sau khi bà voi quật chết người, có anh cán bộ xã đội của xã này chẳng biết nghe ai xui đi lấy nước đái của “bà” về sẽ bán được tiền, liền mang xô đi tìm “bà”. Thấy “bà”, hứng được nước đái nhưng sau đó “bà” đuổi cho chạy về tới ủy ban xã mà quần áo rách nát như mặc vỏ cây. Hàng chục hộ ở đây vì lúc đầu chưa biết cứ chửi mắng, hò hét giết bà, thế là hôm sau lên nương, thấy nương nhà mình bị dẫm nát hết. Người nọ bảo người kia, thế là ai cũng nể sợ “bà”…
“Bà ấy khôn lắm. Biết nhà báo đến tìm nên trốn trong rừng, đêm mới mò về quanh bản kiếm ăn”.
Sáng hôm sau chúng tôi chia tay chủ nhà sớm bởi biết họ chỉ vì nể mình mà cho nghỉ trọ chứ lòng họ rất hoang mang, sợ bà voi về trả thù thì tai bay vạ gió. Hôm ấy tôi mua được 1 con khỉ vàng còn nhỏ tẹo như nắm tay. Trên đường ra thành phố phải đi qua gần 100km đường rừng. Phóng viên Lê Anh Tuấn cứ nài nỉ tôi thả bỏ con khỉ. Nài chán rồi lại ngọt nhạt: “Thôi anh cứ thả con khỉ đi. Về Hà Nội em sẽ kiếm cho anh mấy con khỉ khác, gửi lên bù cho anh”. Khi về tới thành phố Sơn La an toàn, mới biết thì ra Anh Tuấn sợ mang theo con khỉ sẽ gặp vận đen, có thể bị voi truy sát dọc đường nên vận động tôi thả khỉ.
Chiếc răng nanh voi cái dài 35 cm của gia đình ông Thưởng nhặt được trong một chuyến đi rừng năm xưa nay đã trở thành báu vật ở đất Sông Mã.
Voi biết “trị người xấu bụng”
Thoắt cái, vậy mà cuộc săn tìm voi độc hôm nào giờ đã qua hơn 10 năm, không ngờ chuyến đi này là được nghe chuyện về nó. Trưa hôm ấy, ra đến quán cơm đầu thị trấn Sông Mã, hỏi chuyện bà chủ quán về con voi rừng, bà chủ trợn mắt: Chú ở đâu ra mà không biết chuyện "bà" voi, còn phải hỏi? Thỉnh thoảng bà ấy vẫn về đây, có khi ngủ ngay bên ngoài hiên nhà dân nhưng chẳng làm hại ai cả. Chỉ những ai dám hỗn láo thì bà mới trị cho thôi. Nghe đâu như dịp này "bà ấy" nghỉ lại bên xã Nà Nghịu, cách đây mấy cây số. Năm ngoái, bà về đây, có người nói hỗn với bà, thế là bà ấy quật cho sắp chết…
Con Voi rừng độc đàn vẫn thường về thăm lại quê hương trên đất Chiềng Khoong huyện Sông Mã, Sơn La.
Bán tín, bán nghi, tôi tìm gặp kiểm lâm viên phụ trách địa bàn-Hoàng Văn Thử, anh Thử gật đầu: Thật đấy. Khi ấy vào đầu tháng 9.2012, buổi đêm con voi vượt sông Mã, sang bên tả ngạn thuộc đất Chiềng Khoong kiếm ăn. Khi trở về thì trời đã sáng. Người dân thấy voi kéo nhau đến xem đông tới mấy trăm người. Kiểm lâm chúng em phải cử người mang súng ra canh bảo vệ dân, hướng dẫn dân không được lại gần, không được làm voi đau hay sợ vì nó sẽ trả thù. Cả người già, con trẻ cứ vây quanh voi xem và hò hét nhưng chẳng làm sao. Đến lúc ông Nguyễn Văn Hưng ở bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu đến, miệng bô bô: “con voi này mà đánh tiết canh thì ngon lắm đây”. Nào ngờ, con voi như hiểu được tiếng người, nó cứ nhằm ông Hưng mà truy đuổi. Bắt được, nó lấy chân giày, lấy vòi quật. Nhưng hình như nó không định giết thêm người nên chỉ làm ông ấy gãy 9 cái xương sườn và tới hộp sọ là dừng lại. Mọi người kịp đưa ông Hưng đi cấp cứu. Tuy chẳng chết nhưng bây giờ thành tật suốt đời.
Không phải chỉ mỗi anh Hưng mà ở Sông Mã đã có thêm 1 số nạn nhân khác bị con voi này tấn công khi cố tình “làm điều không tốt với nó”. Đó là một người Mông bên bản Huổi Vàng xã Mường Cai, khi thấy voi đi qua nương nhà mình đã cầm đèn pin đuổi theo, vừa chửi vừa lia đèn pin nhấp nháy dọa bắn voi. Không ngờ con voi đang đủng đỉnh trên đường bất ngờ quay lại “đối đáp” dù chỉ ở mức độ “cảnh cáo nhẹ”. Kết quả là ông kia bị gãy chân phải đi bó bột và từ đó đến nay bụng luôn thấp thỏm khi nghe thấy voi về.
Chiếc răng hàm voi của bà Tòng Thị Tiện, tiểu khu 2, thị trấn Sông Mã được nhiều người trả giá cao nhưng bà không bán.
Những câu chuyện về sự linh thiêng mang sắc màu huyền bí của con voi độc ở đất Sông Mã vẫn làm không ít người bán tín, bán nghi, trong đó có ông Hặc ở bản Hải Sơn xã Chiềng Khoong. Khi thấy hàng xóm than thở về việc con voi đêm qua đi qua nương ngô đã “lỡ vòi” quấn mấy chục khóm ngô, ông Hặc bảo: “Cứ vào nương nhà tôi xem, tôi trị cho là biết điều hết, chả có linh thiêng gì cả”. Chiều hôm sau, đang ngồi nhà thấy nóng ruột, ông Hặc liền rủ hàng xóm cùng đi thăm nương ngô. Nương nhà ông có 2 mảnh nằm trên sườn đồi, xen vào giữa là một nương của hàng xóm. Chả hiểu con voi có bị vòng kiềng hay đi đứng thế nào mà nó đã xéo vào đám nương bên này rồi lại vòng qua nương nhà hàng xóm để xéo đám nương bên kia của nhà ông Hặc. Từ hôm ấy, chẳng ai thấy ông Hặc tuyên bố điều gì về chuyện “trị voi” nữa.
(Kỳ sau: Trở về trong thù hận)