Thời gian gần đây, các doanh nghiệp này đang rất chật vật tồn tại và luôn trong tư thế sẵn sàng… phá sản.
Mấy lần tìm đến Công ty TNHH NN một thành viên Sông Mã (huyện Sông Mã, Sơn La) nhưng giám đốc công ty đều đi vắng. Anh Đào Mạnh Tưởng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã bảo: Bây giờ các giám đốc công ty lâm nghiệp chẳng mấy khi có nhà đâu. Vì mưu sinh, các vị ấy chạy tìm việc khắp nơi. Nhiều đơn vị phải làm thêm các nghề như: Làm chậu hoa, ươm cây cảnh… để lấy nguồn thu cho công nhân.
Nói về hiện tại và tương lai của đơn vị mình, ông Sa Văn Tiên - Giám đốc Công ty TNHH NN một thành viên Mộc Châu (huyện Mộc Châu), thật thà: Hàng chục năm gắn bó với nghề rừng, tôi coi đó như một phần quan trọng trong sự nghiệp của mình. Thời điểm huy hoàng, hàng chục công nhân và hàng trăm lao động. Nhưng giờ thì lo lắm, chúng tôi phải tìm việc cho công nhân, phải hạn chế những chi phí không cấp thiết. May mà vừa rồi, Hạt Kiểm lâm huyện đã có kế hoạch trồng mới mấy trăm ha rừng và công ty của tôi nhận được một ít việc trong khảo sát, thiết kế, ươm giống...
Theo ông Tiên, hiện các doanh nghiệp nghề rừng ở Sơn La đang bước vào giai đoạn khủng hoảng. “Dự án trồng rừng không có thì ươm giống cho ai? Khảo sát, thiết kế cái gì? Các cửa rừng đều đóng cửa thì lấy gì mà khai thác, chế biến? Mỗi khi đến công ty, thấy anh em chào mình là giám đốc mà thấy ngượng vì chưa lo được đời sống cho anh em đến nơi, đến chốn” – ông Tiên bảo vậy.
Ông Vũ Đức Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La cũng than rằng: Việc tạo thu nhập ổn định từ rừng cho các doanh nghiệp và người dân ở Sơn La là bài toán rất nan giải. Kinh phí để trồng rừng trong tỉnh hàng năm rất hạn hẹp, rất khó để tạo việc làm cho doanh nghiệp. Còn sơ chế biến lâm nghiệp để tạo sinh kế cho người dân thì càng khó khăn hơn. Chúng tôi đang tính tới những phương án sản xuất mới cho nghề rừng ở Sơn La nhưng thật ra cũng chưa thuận lợi, chưa đủ sức hút với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…