Dân Việt

Vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh: “Khế nhiều trái, ai cũng muốn hái”

Kiều minh 12/11/2014 10:20 GMT+7
Đó là ví von của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (viết tắt Luật Quản lý, sử dụng vốn), ngày 11.11. 

Vinashin 3 năm liền loại A nhưng vẫn sụp đổ

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) sau khi nêu cao vai trò của hệ thống kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã chỉ rõ thực trạng: Có lãnh đạo bộ trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm gần 60 lãnh đạo cấp vụ, trong đó cũng có những người chưa đủ điều kiện. Cơ quan quản lý nhà nước có quy trình, thủ tục rất là chặt chẽ mà còn diễn ra tình trạng như vậy, một số DNNN cũng không kém. Có lãnh đạo doanh nghiệp trước khi nghỉ hưu nhận hàng trăm nhân viên vào làm việc. “Thực trạng này có thể nói là đặc trưng đối với các DNNN. Còn đối với các doanh nghiệp của tư nhân, do đồng tiền của người ta cho nên thực trạng này không diễn ra”- ĐB Cường khẳng định và cho rằng luật cần có sự điều chỉnh để làm sao tăng hiệu quả hoạt động của các DNNN, tránh gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước.

img Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận.

 

Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị xem xét lại tiêu chí đánh giá, xếp hạng các DNNN vì theo ông có nhiều điểm chưa phù hợp. “Rất nhiều DNNN được đánh giá, xếp loại rất cao, có thể năm nay là anh hùng nhưng sang năm đã là tội đồ. Ví dụ như Vinashin, 3 năm liền 2006, 2007, 2008 xếp loại A nhưng sau đó vẫn sụp đổ”- ông dẫn chứng.

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Mạnh CườngĐại biểu Quốc hội
  Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước được đánh giá, xếp loại rất cao, có thể năm nay là anh hùng, nhưng sang năm đã là tội đồ...  
Từ thực tế trên, ĐB Cường đề nghị hệ thống giám sát phải có giám sát ngoài của các cơ quan quản lý nhà nước và giám sát trong của các ban kiểm soát, kiểm sát viên. Ngoài ra, phải có các hệ thống, các tiêu chí về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp thông qua các biện pháp về công khai thông tin, thông qua giải pháp về khen thưởng và kỷ luật.

Cùng đóng góp cho nội dung này, nhưng nhìn từ góc độ khác, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đánh giá: Dự thảo luật có quy định cấm giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy theo tôi là khá phản cảm và không phù hợp. “Thanh tra, kiểm tra rất cần thiết, vì cây khế có nhiều quả, ai cũng muốn trèo hái, nhất là trong DNNN. Tôi chỉ sợ không thanh tra, kiểm tra để đồng vốn của nhà nước mất, thất thoát còn nguy hiểm hơn”- ĐB Đương nêu quan điểm.

Cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đặt ra một vấn đề nóng trong thời gian qua, đó là làm sao đảm bảo cơ sở để xử lý vi phạm đối với các hành vi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp, trong đó có phần vốn của nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo ĐB Thanh Bình, Bộ luật Hình sự có những điều, khoản quy định rất rõ loại tội phạm về tham nhũng và loại tội phạm về chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian vừa qua, khi các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết những vụ án về chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có phần vốn của nhà nước thì các cơ quan bảo vệ pháp luật rất khó khăn trong xác định tội danh, giá trị tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc xác định quan hệ pháp luật bị xâm hại và người bị hại.

Với cái nhìn khách quan hơn về hiệu quả của DNNN, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, vừa qua có một vài DNNN đã để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự đóng góp lớn lao của DNNN trong thời gian qua. Nhưng chúng ta đã bó hẹp, siết chặt lại hoạt động của DNNN đến mức một số DNNN nói rằng họ không làm được vì bị bó tay, bó chân hết.

“Hiện nay khối DNNN có khoảng 2.000.000 lao động, họ rất tâm tư vì tự nhiên bị xã hội nhìn giống như tội đồ trong việc gây ra những thiệt hại vừa qua, trong khi những việc đó là lỗi ở cơ chế, lỗi ở luật pháp, chúng ta không làm rõ, minh bạch được những cá nhân đã làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia, ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân. Chúng ta cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề"- ĐB Ngân nói.