Dân Việt

Nguyễn Mạnh Tường là... “bác sĩ giả mạo“?

B.T.V (tổng hợp) 12/11/2014 14:12 GMT+7
Theo dự kiến, vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 11 này. Trong cuộc gặp với luật sư gần đây, Nguyễn Mạnh Tường cho biết không đồng ý với cáo trạng mới. Trong một diễn biến khác, luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền khẳng định: “Thẩm mỹ viện Cát Tường là “cơ sở giả mạo ”, “cơ sở chui" và Nguyễn Mạnh Tường là “bác sĩ giả mạo”, “bác sĩ chui” về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ”.

Nguyễn Mạnh Tường là 'bác sĩ giả mạo' về phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh 1

Nguyễn Mạnh Tường và Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, tài liệu của vụ án, do không đồng tình với quan điểm trong nội dung các bản kết luận điều tra và bản cáo trạng, luật sư Vũ Gia Trưởng và luật sư Phạm Hương Giang (thuộc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự, Đoàn luật sư TP.Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi cho Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân trong vụ án “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bản thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; Trộm cắp tài sản” xảy ra ngày 19.10.2013 tại Thẩm mỹ viện Cát Tường,  số 45 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội đã gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội, Viện KSND TP.Hà Nội, TAND TP.Hà Nội văn bản kiến nghị.

Hai luật sư trong vụ án này cho rằng, căn cứ vào những tình tiết đã có trong hồ sơ vụ án đến thời điểm hiện tại, việc Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, Viện KSND TP.Hà Nội đã khởi tố, điều tra và truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” quy định tại khoản 1 Điều 242 Bộ luật Hình sự (BLHS) đối với hành vi gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền một cách trái pháp luật là không chính xác. Những hành vi này của Nguyễn Mạnh Tường đã có dấu hiệu phạm vào tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS Việt Nam.

Trong văn bản kiến nghị, luật sư khẳng định Nguyễn Mạnh Tường không phải là chủ thể của tội danh theo quỵ định tai Điều 242 BLHS. Luật sư phân tích: Nếu xác định Nguyễn Mạnh Tường là chủ thể của điều luật này là chưa xác định đúng mối quan hệ giữa Tường và nạn nhân khi xảy ra hành vi phạm tội”.

Theo quy định tại Điều 242 BLHS, chủ thể của tội phạm này phải là những chủ thể đặc biệt, đó là những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (người khám bệnh, chữa bệnh) và là người có trách nhiệm thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Giữa họ và bệnh nhân phải có mối quan hệ giữa một bên là người khám bệnh, chữa bệnh và bên kia là bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, quan hệ giữa Nguyễn Mạnh Tường với chị Huyền khi thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ không phải là quan hệ giữa người khám bệnh, chữa bệnh và bệnh nhân vì khi đó Tường không phải là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cũng không phải là bác sĩ được giao trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật tại “cơ sở” Thẩm mỹ viện Cát Tường về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Vị luật sư đưa ra dẫn chứng: Thứ nhất, căn cứ theo khoản 6 Điều 2 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23.11.2009 thì: “Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Khi thực hiện công việc phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền, mặc dù Nguyễn Mạnh Tường là Giám đốc của TMV Cát Tường nhưng Tường không phải là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phẫu thuật thẩm mỹ vì Tường chưa được Bộ Y tế hay cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Tường chỉ là bác sĩ chuyên khoa Ngoại - Phẫu thuật tạo hình (Bút lục sổ 536).

Thứ hai, theo điểm a khoản 3 Điều 25 Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14.11.2011 quy đinh thì: “Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa đó”. Như vậy thì Nguyễn Mạnh Tường không phải là người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại TMV Cát Tường.

Thứ ba, Thẩm mỹ viện Cát Tường không phải là “cơ sở” khám bệnh, chữa bệnh được phép hoạt động và được cung cấp dịch vụ về phẫu thuật thẩm mỹ vì căn cứ vào Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh muốn được hoạt động cần phải thỏa mãn hai điều kiện, đó là:

Một, có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hai, có giấv phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.

Qua xác minh của Cơ quan CSĐT tại Sở y tế TP.Hà Nội thì TMV Cát Tường không có đầy đủ những điều kiện trên mà chỉ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp, nhưng ngành nghề kinh doanh lại là dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên khoa Ngoại - Phẫu thuật tạo hình chứ không phải là dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (Bút lục sổ 49, 50).

Từ sự phân tích trên, hai vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền khẳng định TMV Cát Tường là “cơ sở giả mạo ”, “cơ sở chui” và Nguyễn Mạnh Tường là “bác sĩ giả mạo”, “bác sĩ chui” về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nên Nguyễn Mạnh Tường không phải là “đối tượng' để được coi là chủ thể của tội danh được quy định tại Điều 242 BLHS mà phải truy tố Nguyễn Mạnh Tường theo tội danh quy định tại Điều 93 BLHS mới chính xác. 

Bác sĩ Tường: "Tôi sẽ dành phần còn lại của cuộc đời để sám hối"

Ngày 12.11, trao đổi với PV, luật sư Chu Thị Trang Vân (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết, sau khi có cáo trạng lần hai, bà đã 2 lần vào gặp thân chủ của mình. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường gầy, mái tóc bạc đi nhiều. Ông ta luôn bày tỏ sự hối hận về việc mình đã làm. Cuộc sống trong trại giam ổn, nhưng Tường luôn bị nỗi nhớ vợ, nhớ con giày vò. Ông ta nhờ luật sư chụp ảnh của con để được ngắm chúng ít phút nhưng không được phép.

img

Luật sư Trang Vân.

Theo luật sư Vân, Tường mong gia đình nạn nhân chuyển thù hận thành tha thứ. Nếu có cơ hội, Tường sẽ đền đáp, chỉ mong họ hiểu, ông ta không muốn chuyện xảy ra như thế này. “Tôi sẽ dành phần còn lại của cuộc đời để sám hối, bù đắp lại nỗi đau mà tôi đã gây ra cho người nhà nạn nhân”, bị can Tường nói với luật sư của mình.

Bác sĩ Tường cho luật sư biết, ông ta đã ghi ngay vào biên bản giao nhận cáo trạng - bị can không đồng ý với cáo trạng. Nguyễn Mạnh Tường cho rằng, trong quá trình phẫu thuật, nạn nhân chỉ phản ứng với cái đau khi thuốc tê thấm chưa đủ và đã co tay lên thôi chứ không phải lên cơn co giật như cáo trạng đã nêu. “Ông Tường cho rằng, nếu chỉ nhìn nhận lời khai của y tá là co giật mà đưa vào cáo trạng là chưa thỏa đáng”, lời luật sư Vân.

Trong bản cáo trạng lần hai, bác sĩ Tường vẫn bị truy tố về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo Điều 242, khoản 3 – BLHS. Như vậy, lần này bác sĩ Tường phải đối mặt với khung hình phạt cao hơn (từ 7-15 năm thay vì 5 năm như bản cáo trạng lần 1) và bị can không đồng ý với việc VKS chuyển khoản tội danh theo hướng tăng nặng khi mà quá trình điều tra không có thêm điều gì mới.

Luật sư Vân cho biết, khi bác sĩ Tường biết tin đã tìm thấy xác nạn nhân, ông ta cảm thấy nhẹ nhõm, yên lòng, phần nào giúp giải tỏa áp lực. Ngoài ra, luật sư Vân cho biết, đang xem xét đến việc đưa ra kiến nghị, đề nghị đánh giá cho đúng hành vi của bác sĩ Tường.