Dân Việt

Xăng dầu giảm, giá dịch vụ hàng hóa chưa giảm: Doanh nghiệp còn phải chịu những chi phí khác?

Ngọc Lương (ghi) 12/11/2014 19:08 GMT+7
Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vừa phân tích nguyên nhân việc giá nhiều loại mặt hàng, dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong khi giá xăng dầu tới nay đã giảm đến 9 lần với tổng cộng giảm hơn 3.000đ/lít.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu quan điểm: Chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường, giá cả là sản phẩm của thị trường, thế nhưng lâu nay Nhà nước can thiệp vào giá nhiều quá. Chính vì thế mỗi lần có biến động về giá cục bộ một số mặt hàng nào đó người dân lại quy cho Nhà nước. Hiện nay chúng ta có Luật quản lý về giá nhưng không phải tất cả giá mà chỉ có một số đặc biệt có ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong kinh tế thị trường giảm một yếu tố nào đó từ đầu vào của sản xuất, ví dụ như xăng dầu thì không đồng nghĩa sẽ giảm ngay một số giá cả của thị trường, bởi giá cả là quan hệ cung cầu. Ngay lĩnh vực vận tải, taxi thì đây là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, cũng phải đặt câu hỏi hiện nay là tại sao giá xăng, dầu giảm mà giá cước chưa giảm. Trong khi về thông thường doanh nghiệp sẽ phải dùng giá để cạnh tranh. Phải chăng họ còn có những chi phí khác, cũng như trước đây giá xăng dầu tăng mà họ không tăng giá cước ngay thì họ phải chịu đựng vấn đề nào đó?

“Với vận tải xe khách, hàng hóa cũng vậy, ví dụ khi giá xăng tăng họ không tăng giá ngay, để giữ giá cạnh tranh họ phải tìm cách "lách" như chở thêm khách, thêm hàng, nay giảm áp về giá cả nhiên liệu. Xăng dầu giảm, có thể họ giảm những cái đó”, ĐB Lịch phân tích và cho rằng, cần phân tích vấn đề theo hướng chi phí nằm trong cấu thành sản phẩm thế nào, khi giá nhiên liệu giảm thì chi phí từ sản phẩm giảm cỡ nào chứ không phải nó giảm với tỷ lệ như nhau. Tôi cho rằng giảm một chút về giá xăng, dầu cũng không có nghĩa làm cho mặt bằng giá cả cả nước giảm", đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói thêm.

Còn ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) thì đánh giá: Xăng, dầu Nhà nước điều hành qua thuế thì có thể điều chỉnh giảm xuống được. Còn giá dịch vụ vận tải, giá cả hàng hóa ngoài chợ thì Nhà nước không điều tiết được. Ở đây phải thấy trách nhiệm của xã hội, của doanh nghiệp, còn Nhà nước có điều tiết thì điều tiết qua chính sách thuế. Vai trò của Nhà nước, vai trò của Chính phủ nó ở mức độ này khi chúng ta theo kinh tế thị trường. Có sự điều tiết của nhà nước tức là điều tiết ở phần đầu vào bằng giá xăng, dầu.