Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei, Hoàng thân Mohamed Bolkiah nhấn mạnh nội dung chính của hội nghị lần này là rà soát việc thực hiện các quyết định của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 và tìm kiếm phương thức tăng cường hòa bình và ổn định trên toàn khu vực.
Giới quan sát cũng nhận định, Hội nghị Ngoại trưởng lần này tập trung vào hai chủ đề chính là thúc đẩy tiến trình Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 và nhất là hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại hội nghị AMM46. Ảnh VOV |
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMM 46 và các Hội nghị liên quan nhằm củng cố đoàn kết, hợp tác ASEAN, tăng cường vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, an ninh khu vực; giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN trong tình hình mới, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam.
Sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tiến hành phiên họp kín để thảo luận về những vấn đề của khu vực và toàn cầu. Những nội dung trọng tâm của hội nghị lần này dự kiến cũng không nằm ngoài việc thực hiện các mục tiêu chung của khu vực: Đó là quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN từ nay đến 31.12.2015 vì một Cộng đồng ASEAN “liên kết về kinh tế, gắn kết về chính trị, và cùng chia sẻ các trách nhiệm về xã hội”, tăng cường quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình cũng như vai trò nòng cốt của Hiệp hội trong xử lý những vấn đề quan trọng ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối ASEAN làm động lực để từ đó mở rộng kết nối ra khu vực Đông Á, trong đó có việc xây dựng Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các Bộ trưởng cũng thảo luận về vai trò chủ động của ASEAN trong việc đảm bảo môi trường hoà bình của khu vực; an ninh và ổn định, phát huy hơn nữa các công cụ, diễn đàn chính trị, an ninh ở khu vực như ARF, EAS, ADMM ...
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đề cập đến tầm quan trọng của hòa bình, an ninh an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông, bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các cam kết trong Tuyên bố 6 điểm của ASEAN, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, các nước trong khối tập trung nỗ lực xây dựng một Cộng đồng năng lực, bền vững vào năm 2015, đẩy mạnh phối hợp và hợp tác giữa ASEAN và các Đối tác đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đối thoại chính trị và hợp tác hữu nghị.
Giáo sư Simon Tay, chủ tịch Học viện Quan hệ Quốc tế Singapore, cũng nhận định rằng đề xuất của ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có vai trò chính yếu trong việc duy trì ổn định tại Biển Đông.
Cũng trong ngày 30.6, các ngoại trưởng của 10 ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc thảo luận, trong đó tập trung vào sự hợp tác tài chính khu vực, an ninh lương thực, các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc gặp nhau kể từ khi ba nước này có chính phủ mới. Dự kiến, các ngoại trưởng sẽ nhất trí thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực, kêu gọi thực thi hiệu quả kế hoạch dự trữ gạo khẩn cấp của ASEAN+3 để đối phó hữu hiệu trước tình trạng khan hiếm lương thực và giá gạo tăng.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, các ngoại trưởng dự kiến cũng sẽ khẳng định các hành động khiêu khích bất tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ này là những mối đe dọa nghiêm trọng, hủy hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.
Quang Minh (tổng hợp)