Nông dân chịu oan 5% VAT
Gặp phóng viên, bà Nguyễn Thị Quyên ở Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) – người đang nuôi hàng nghìn con lợn mỗi lứa, đồng thời có một cửa hàng phối trộn thức ăn chăn nuôi (TACN) cho biết: “Chúng tôi đi mua nguyên liệu thô của các nhà máy TACN về thì có hoá đơn, nhưng khi bán cho người dân thì bà con không cần hoá đơn chứng từ nên chẳng thể khấu trừ được 5% thuế VAT đầu vào. Do đó, so với các nhà máy TACN, hiện người chăn nuôi nông hộ và các cơ sở xay xát cám như chúng tôi đang phải chịu oan 5% VAT thì làm sao mà cạnh tranh được với họ”.
Không riêng mặt hàng TACN, người nông dân còn chịu phải chịu thiệt thòi khi mua phân bón, do mặt hàng này cũng phải chịu thuế VAT 5%. Bà Nguyễn Thị Vụ ở xã Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: “Người dân đi mua phân bón thì thường mua lẻ, mỗi vụ chỉ một vài bao phân nên cũng chẳng ai để ý tới hoá đơn, chứng từ cả. Mà có hoá đơn hay không có các cửa hàng vẫn tính giá phân bón như thế thì cần gì lấy hoá đơn cho mất thời gian. Giờ xem báo chí chúng tôi mới biết, lâu nay mình vẫn phải chịu thuế VAT 5% khi mua phân bón”.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi khi mua nguyên liệu hoặc TACN thành phẩm đương nhiên sẽ phải chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, do họ là đơn vị kinh tế, có con dấu, có hoá đơn nên họ có thể xuất được hoá đơn đầu ra, theo đó sẽ được hoàn lại số thuế VAT này. Trong khi các hộ chăn nuôi cá thể không phải là DN nên không có hoá đơn, và không được hoàn thuế VAT. Có nghĩa là, họ đang phải chịu oan 5% thuế VAT, nhưng khi bán sản phẩm ra thị trường, họ vẫn phải bán với giá ngang với các công ty chăn nuôi lớn.
“Chẳng hạn giá thịt lợn trên thị trường hiện nay là 50.000 đồng/kg, chi phí TACN (đã bao gồm 5% thuế VAT) cho một con lợn đến khi xuất chuồng là 1 triệu đồng, DN chăn nuôi sẽ được hoàn lại 5% thuế VAT nên thực tế họ chỉ phải chi hơn 950.000 đồng/con, trong khi người chăn nuôi do không được hoàn thuế nên vẫn phải chịu nguyên chi phí TACN là 1 triệu đồng/con, và giá bán lợn vẫn chỉ được 50.000 đồng/kg như DN chăn nuôi. Như vậy, mỗi con lợn xuất chuồng, người chăn nuôi nhỏ phải chịu thiệt gần 50.000 đồng so với DN. Điều này đồng nghĩa với việc nếu vẫn áp thuế VAT thì DN chăn nuôi giàu sẽ giàu thêm, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ vốn đã chật vật sẽ lại càng khốn khó, đặc biệt là khi giá bán sản phẩm chăn nuôi hàng ngày đều do các DN chăn nuôi lớn quyết định” – ông Dương phân tích.
Nhiều nước không áp thuế VAT
Theo Bộ NNPTNT, hầu hết các nước trên thế giới và trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều không áp dụng thuế VAT với TACN. Việc áp dụng dòng thuế này đã và đang làm tăng giá thành các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam lên 5% so với các nước xung quanh. Đối với mặt hàng phân bón cũng tương tự bởi người chịu thuế chính là người dân, do đó hầu hết các nước không áp thuế VAT với cả phân bón.
Ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hầu hết các nước đã bỏ thuế VAT với phân bón và Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đã đề xuất bỏ thuế VAT nhiều lần, song chưa được phê duyệt. “Theo dự kiến, ngày 17.11 chúng tôi sẽ cùng Ngân hàng Thế giới sẽ có cuộc làm việc với Chính phủ để tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bỏ thuế VAT cho mặt hàng phân bón. Với việc bãi bỏ thuế VAT, người được hưởng lợi trực tiếp chính là nông dân, qua đó sẽ góp phần giảm giá đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành trồng trọt” – ông Thúy cho biết.
Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, bản chất của thuế VAT là “đánh” cuối cùng vào người tiêu dùng, cụ thể đối với ngành chăn nuôi, nói nôm na chính là “đánh” vào túi tiền của các bà nội trợ đang hàng ngày mua các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, cá... “Chúng ta đều biết đặc thù tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay hầu hết là qua các chợ lẻ, cả người bán và người mua đều chẳng bao giờ quan tâm tới thuế VAT. Có chăng, thuế VAT chỉ thu được từ một số siêu thị, nhưng số lượng sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ qua kênh này lại vô cùng bé nhỏ” – ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương: “Vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội có ý kiến cho rằng mỗi năm chúng ta thu thuế VAT từ TACN lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là con số tổng thu, chứ nếu trừ đi khoản đã hoàn lại cho các DN chăn nuôi và DN sản xuất TACN thì chẳng còn lại là bao” - ông Dương phân tích.