Dân Việt

Thừa Thiên- Huế: Doanh nghiệp khai thác đất trái phép được “chống lưng”?

An Sơn 14/11/2014 07:24 GMT+7
Theo lãnh đạo xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), sở dĩ Xí nghiệp Lâm nghiệp Long Phụng ngang nhiên tàn phá nhiều diện tích đất rừng để lấy vật liệu san lấp cung cấp cho các công trình xây dựng là do có sự “chống lưng” của một lãnh đạo tỉnh. 

Ép dân giao đất

Cách đây 27 năm, gia đình ông Ngô Minh ở thôn Trung Phước, xã Lộc Trì khai hoang hơn 1ha đất ở khu vực núi Khe Trầu để phát triển sản xuất. Diện tích đất này được ông Minh dùng để trồng rừng keo, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, ông Minh không thể tiếp tục trồng rừng do đất đã bị biến thành mỏ vật liệu san lấp phục vụ các công trình xây dựng.

imgĐất trồng rừng của gia đình ông Huỳnh Bé đã bị Xí nghiệp Long Phụng đào bới tan hoang để lấy vật liệu san lấp.  An Sơn 

Ông Minh kể, đầu năm 2014, một lãnh đạo UBND xã Lộc Trì thông báo diện tích đất trồng rừng của gia đình ông sẽ được giao cho Xí nghiệp Lâm nghiệp Long Phụng (đóng tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) khai thác đất san lấp phục vụ xây dựng khu tái định cư ở xã. Sau đó, Xí nghiệp Long Phụng đền bù cho gia đình ông 70 triệu đồng tiền cây cối trên đất. “Lúc đó, họ không đưa cho tôi bất cứ giấy tờ nào chứng minh việc khai thác đất đã được cấp phép. Nhưng vì sợ bị gây khó dễ sau này nên tôi phải đau khổ chấp nhận mất đất”- ông Minh cho biết.

Sau khi chi trả đền bù cho gia đình ông Minh, Xí nghiệp Long Phụng huy động lượng lớn máy móc khai thác diện tích đất này để lấy vật liệu san lấp. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích đất rừng của gia đình ông Minh đã bị đào bới tan hoang. Nhiều nơi đất bị khai thác sâu xuống cả chục mét so với nền đất cũ và tạo thành những vực sâu khiến núi có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão.

Tương tự, hộ ông Huỳnh Bé có khoảng 1ha đất trồng rừng ở núi Khe Trầu cũng đã bị Xí nghiệp Long Phụng sử dụng khai thác vật liệu san lấp từ đầu năm đến nay.

Doanh nghiệp được “chống lưng”?

Theo tìm hiểu của PV NTNN, đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chưa có văn bản nào cấp phép khai thác đất ở núi Khe Trầu cũng như những khu vực khác ở Lộc Trì để làm vật liệu san lấp. Trong khi đó, theo quy định, chính quyền huyện Phú Lộc và xã Lộc Trì không có quyền cấp phép cho hoạt động trên. Vì vậy, việc khai thác đất tại núi Khe Trầu của Xí nghiệp Long Phụng là hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Trao đổi với PV NTNN, ông Cái Trọng Như - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì thừa nhận việc xã để Xí nghiệp Long Phụng khai thác đất rừng của dân làm vật liệu san lấp là việc làm sai trái. Ông Như cho rằng, do doanh nghiệp cần đất san lấp mặt bằng khu tái định cư Lộc Trì nên xã làm tờ trình xin huyện cho cải tạo đất ở núi Khe Trầu để doanh nghiệp có nơi lấy đất. Trên cơ sở đó, xã để Xí nghiệp Long Phụng khai thác đất rừng của dân để phục vụ xây dựng khu tái định cư.

Tuy nhiên, sau đó khi PV chất vấn tới cùng, ông Như thừa nhận việc xã để Xí nghiệp Long Phụng khai thác đất là do bị sức ép từ cấp trên. Theo tiết lộ của một lãnh đạo UBND xã Lộc Trì, sở dĩ Xí nghiệp Long Phụng ngang nhiên khai thác đất rừng của dân khi chưa được cấp phép là do doanh nghiệp này được sự “chống lưng” của một lãnh đạo tỉnh. Cán bộ này cho biết, một vị lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo chính quyền huyện Phú Lộc tạo điều kiện để Xí nghiệp Long Phụng khai thác đất tại núi Khe Trầu. Sức ép từ cấp trên khiến chính quyền huyện và xã phải giúp đỡ doanh nghiệp.

 Theo nhiều người dân xã Lộc Trì, trên thực tế, ngoài khai thác đất tại núi Khe Trầu để san lấp khu tái định cư, Xí nghiệp Long Phụng còn lấy đất tại khu vực này cung cấp cho nhiều công trình xây dựng trên địa bàn. Do đó, việc khai thác đất trái phép của Xí nghiệp Long Phụng không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn khiến Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế lớn.