Dân Việt

Nghệ nhân già giữ điệu hồn dân tộc Pa Kô

Ngọc vũ 17/11/2014 06:28 GMT+7
Ông là nghệ nhân Mai Hoa Sen 71 tuổi, trú thôn Ka Hẹp, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) - người lưu giữ điệu hồn dân tộc Pa Kô. 

Lật giở từng dòng hồi ức một đời gắn bó, gìn giữ điệu hồn dân tộc, nghệ nhân Sen kể: Thuở bé, mỗi lần lên nương ông đều được cha mình thổi khèn, gảy đàn cho nghe. Những giọt mồ hôi cực nhọc bỗng chốc tan biến theo tiếng khèn, điệu nhạc khiến ông yêu chúng lúc nào không hay và quyết tâm học cách sử dụng, chế tác.

imgNghệ nhân Mai Hoa Sen. N.V

 

Nghệ nhân Sen cho hay, nhạc cụ dân tộc của người Pa Kô có cấu tạo khá đơn giản, thường được làm bằng vật liệu như tre, nứa, cây gỗ, xương, sừng gia súc… Nhưng để sử dụng chúng tạo thành âm thanh, điệu nhạc hay thì rất khó. Nó đòi hỏi người chế tác, người chơi phải thực sự am hiểu, có năng khiếu, lòng đàm mê và trên hết là tình yêu, lòng tự hào về nhạc cụ dân tộc đích thực. Xưa kia, người Pa Kô ai cũng biết chơi đàn Ta lư, thổi sáo, thổi khèn.

Nhưng rồi cuộc sống phát triển, âm nhạc hiện đại đã tràn về các bản làng và chiếm một phần lớn trong không gian âm nhạc của giới trẻ. Số người biết sử dụng nhạc cụ dân tộc vì thế chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Biết ông chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, dân bản bầu ông giữ chức cán bộ văn hóa xã Tà Rụt và bắt đầu công cuộc hồi sinh nét văn hóa văn nghệ của dân tộc Pa Kô. Để giúp giới trẻ không quay lưng với âm nhạc dân tộc, ông Sen đã đứng ra thành lập Đội văn nghệ dân tộc xã Tà Rụt. Mất cả tháng trời, ông mới vận động được 16 thanh niên nhận lời tham gia.

Năm 2006, Đội văn nghệ dân tộc xã Tà Rụt được đại diện tỉnh Quảng Trị tham gia Festival Cồng chiêng các dân tộc Trường Sơn tại tỉnh Đăk Lăk và vinh dự giành giải Nhì và đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi các cấp trong những năm qua. Riêng nghệ nhân Sen còn còn là giảng viên dạy lớp học chế tác nhạc cụ do Phòng Văn hóa huyện Đakrông tổ chức tại các xã.

Vào các dịp lễ hội, ông còn dạy múa, hát, thổi khèn cho thanh niên trong bản để phục vụ cho lễ mừng lúa mới Aya, đâm trâu, đám cưới, đám hỏi… “Mong sao chính quyền địa phương có thể mở lớp đào tạo cho cán bộ trong xã biết cách sử dụng, chế tác nhạc cụ dân tộc để sau này, khi lớp già chúng tôi mất đi, còn có người truyền dạy cho lớp trẻ. Ngoài ra, cần phải in ấn rộng rãi sách vở về các loại nhạc cụ dân tộc để bảo tồn được lâu dài” – Nghệ nhân Sen mong mỏi.